Thực hiện NĐ 99, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, TCTy nhà nước...
Nội dung của NĐ 99 và các thông tư hướng dẫn được đánh giá thông qua các buổi tập huấn là phù hợp với yêu cầu khách quan về quản lý chi phí ĐTXD công trình (QLCPĐTXD) trong thực tiễn hiện nay, sẽ góp phần tháo gỡ một số tồn tại trong ĐTXD trong thời gian qua (công trình đang xây dựng phải dừng lại do thiếu vốn, công tác giải ngân chậm do thủ tục rườm rà và nội dung hợp đồng xây dựng không đủ, không rõ, thiếu công cụ quản lý chi phí xây dựng trong cơ chế thị trường như chỉ số giá xây dựng...).
Hiện nay Bộ Xây dựng đang triển khai hướng dẫn thực hiện Điều 18 của NĐ 99. Nội dung của điều này quy định tư vấn quản lý chi phí ĐTXD công trình là hoạt động kinh doanh có điều kiện, tổ chức hoạt động tư vấn QLCPĐTXD phải có ít nhất 3 người có chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng (KSĐGXD), cá nhân hoạt động độc lập về tư vấn QLCPĐTXD phải có chứng chỉ KSĐGXD... và Bộ Xây dựng hướng dẫn các nội dung liên quan này.
Như vậy các câu hỏi đặt ra là:
- Tại sao tư vấn QLCPĐTXD lại là nghề kinh doanh có điều kiện? Quy định này có phù hợp với yêu cầu khách quan của việc QLCPĐTXD không?
- Để được cấp chứng chỉ KSĐGXD thì tiêu chuẩn của người KSĐGXD sẽ là gì?
Chúng ta hãy cùng nhau giải đáp các câu hỏi trên.
1. Tại sao tư vấn QLCPĐTXD lại là nghề kinh doanh có điều kiện ?
Theo quy định của Luật Xây dựng thì QLCPĐTXD là một nội dung của quản lý dự án ĐTXD công trình. Quan điểm của các nhà quản lý ở các nước phát triển thì nhà quản lý dự án thành công là nhà quản lý không để dự án rơi vào một trong hai tình huống là (i) bị vỡ tiến độ hoặc (ii) bị vượt chi phí. Như vậy QLCPĐTXD có vị trí rất quan trọng trong quản lý dự án ĐTXD công trình. Trong trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thì chủ đầu tư thường thuê tư vấn giúp chủ đầu tư QLCPĐTXD.
Nhiệm vụ của tư vấn QLCPĐTXD là giúp chủ đầu tư quản lý chi phí dự án ĐTXD công trình trong các giai đoạn từ ý tưởng đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến khi công trình hoàn thành bàn giao đưa dự án vào khai thác sử dụng đạt hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất. Các công việc tư vấn QLCPĐTXD thường bao gồm lập và quản lý: Sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, định mức và giá xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư.
Đặc điểm của dự án ĐTXD công trình thường có giá trị rất lớn (có dự án giá trị đến hàng ngàn tỉ đồng), chi phí dự án ĐTXD công trìng phụ thuộc vào nhiều yếu tố (phương án thiết kế, các tiêu chuẩn áp dụng, đặc điểm của dự án, quy mô dự án, phương thức thực hiện dự án, vị trí địa lí, điều kiện địa chất công trình, biện pháp thi công, tiến độ thi công, thời điểm thi công...), việc mua bán sản phẩm, khi sản phẩm chỉ là trên bản vẽ và có trường hợp mới chỉ là ý tưởng.
Như vậy với nhiệm vụ của tư vấn QLCPĐTXD và đặc điểm của dự án ĐTXD công trình nêu trên, thì nếu không có các kiến thức chuyên môn về xây dựng và kinh tế thì không thể làm được nghề tư vấn QLCPĐTXD, do vậy yêu cầu đặt ra đối với tư vấn QLCPĐTXD là phải am hiểu sâu sắc về dự án ĐTXD công trình, về quá trình ĐTXD và chí phí xây dựng công trình. Nếu nguời quản lý chi phí không am hiểu thì sẽ dẫn đến thiệt hại lớn hoặc cho chủ đầu tư hoặc cho nhà thầu hoặc cho xã hội hoặc cho tất cả các chủ thể liên quan.
Xuất phát từ yêu cầu đặt ra đối với tư QLCPĐTXD nêu trên, để nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư và xã hội thì đòi hỏi nghề tư vấn QLCPĐTXD phải là nghề QLCPĐTXD phải là nghề kinh doanh có điều kiện. Và quy định của NĐ 99 là phù hợp với yêu cầu khách qua của việc QLCPĐTXD.
2. Tiêu chuẩn của người KSĐGXD sẽ là gì?
Để xác định được tiêu chuẩn của người KSĐGXD phải là làm gì, yêu cầu đối với sản phẩm của công việc đó ra sao.
Công việc của KSĐGXD thường làm là những công việc của người QLCPĐTXD. Theo quy định của NĐ 99 thì QLCPĐTXD bao gồm việc lập và quản lý: Sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, định mức và giá xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư. Yêu cầu đối với QLCPĐTXD là giá quyết toán của dự án không được vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Để làm được các công việc như trên, yêu cầu KSĐGXD phải am hiểu sâu sắc về dự án ĐTXD công trình, về quá trình ĐTXD cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ĐTXD và chi phí xây dựng công trình. Cụ thể là người KSĐGXD phải biết các phương pháp xác định khối lượng công việc trong hoạt động xây dựng, các phương pháp để thực hiện công việc, các yếu tố ảnh hưởng đến công việc, các phương pháp khớp nối việc thực hiện các công việc trong công trình và dự án, các phương pháp xác định chi phí của công việc, các quy định của pháp luật liên quan đến công việc, các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình ĐTXD công trình...
Với các yêu cầu nêu trên, người KSĐGXD cần phải đạt những tiêu chuẩn như sau:
- Khả năng đọc và hiểu được bản vẽ, khả năng nhìn được bản vẽ không gian 3 chiều;
- Khả năng đọc và hiểu các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan;
- Có những kỹ năng giao tiếp tốt để tổ chức thực hiện công việc QLCPĐTXD hiệu quả;
- Có kiến thức toán học và tin học cơ bản đáp ứng được yêu cầu QLCPDTXD;
- Có tính kiên trì và khả năng làm việc cẩn thận, chu đáo, trình bày rõ ràng, logic;
- Hiểu biết tốt các thủ tục và hoạt động ở công trường, có khả năng đoán trước được các bước xây dựng trong xây dựng dự án, các phương pháp xây dựng gối đầu;
- Có khả năng đoán trước được các rủi ro có thể xảy ra cho dự án và giải pháp hạn chế, khắc phục nó;
- Có khả năng lập và điều chỉnh tiến độ của dự án ĐTXD công trình;
- Hiểu biết tốt về sản phẩm lao động và thiết bị xây dựng;
- Có khả năng nhận biết khi các công ty xây dựng không đáp ứng được các hạng mục đặc biệt trong dự toán chi phí;
- Hiểu biết về hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
- Hiểu biết về lưa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng;
- Hiểu biết các phương pháp xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng;
- Hiểu biết về pháp luật xây dựng và các pháp luật khác liên quan đến hoạt động xây dựng.
Nếu giả định các tiêu chuẩn của KSĐGXD đưa ra trên đây là phù hợp thì muốn trở thành KSĐGXD phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế xây dựng hoặc tốt nghiệp một trường hệ đại học thuộc chuyên ngành khác, đã qua thời gian làm việc QLCPĐTXD và có được kiến thức đủ đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên của KSĐGXD.
Ở các nước có nền kinh tế phát triển như Anh, Mỹ... muốn hành nghề tư vấn đo bóc tiên lượng, lập dự toán chi phí xây dựng thì phải có chứng chỉ KSĐGXD. Tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ KSĐGXD là tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến xây dựng, học thêm kiến thức cơ bản về kinh tế, có thời gian làm công việc đo bóc tiên lượng, lập dự toán chi phí xây dựng tối thiểu 3 năm và có tư cách đạo đức tốt. Chứng chỉ này do hội nghề nghiệp chuyên ngành cấp. Người có chứng chỉ KSĐGXD được phép hoạt động tư vấn và phải chịu trách nhiệm với khách hàng về những kết quả công việc do mình thực hiện, phải bồi thường cho khách hàng những thiệt hại do kết quả làm việc không đúng của mình gây ra.
Như vậy, có thể nói rằng NĐ 99 đã quy định các nội dung liên quan đến QLCPĐTXD như điều kiện hoạt động của tư vấn QLCPĐTXD, tiêu chuẩn của KSĐGXD là phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Chúng ta hy vọng khi các quy định về tiêu chuẩn KSĐGXD được chính thức ban hành và đi vào thực tiễn cuộc sống nó sẽ góp phần thúc đẩy thị trường xây dựng phát triển, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Nguồn: TC Xây dựng số 1/2008