Nghe nội dung những cuộc trả lời chất vấn của những người có trách nhiệm trên nghị trường Quốc hội, người ta không khỏi giật mình. Xin lấy ra đây trường hợp trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh hôm trước về vấn đề sốt nóng trên thị trường chứng khoán. Trả lời câu hỏi về nguyên nhân phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán và giải pháp đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã có một bài phát biểu dài dòng, mà có thể nêu tóm tắt nội dung như sau: Về nguyên nhân, có một số nguyên nhân: (1) chính trị ổn định; (2) sự khẳng định con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và việc ban hành hệ thống luật pháp phù hợp, trong đó có Luật chứng khoán; (3) kinh tế vĩ mô ổn định; (4) kinh tế phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng cao; (5) cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước “đã được thực hiện có hiệu quả bước đầu. Chính việc đó đã tạo ra hàng hóa cho thị trường”. Nếu chỉ như thế này thì Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn không giải thích được tại sao thị trường chứng khoán lại nóng lên như vậy, và đặc biệt chỉ từ mấy tháng cuối năm 2006 cho đến quý I năm nay. Tất cả những yếu tố mà Bộ trưởng nêu ra ở đây đều đã tồn tại ở Việt Nam từ khá lâu, chứ không phải là hiện tượng mới gần đây mới có. Vậy tại sao thị trường chứng khoán không nóng lên ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2000)? Luật chứng khoán cũng chỉ mới có hiệu lực kể từ tháng 1 năm nay (nên việc ban hành luật này cũng không liên quan trực tiếp đến cơn sốt chứng khoán kéo dài từ trước đó). Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa và đưa lên sàn từ những năm trước nhưng không tạo nên cơn sốt, và một số trong những cổ phiếu sốt nhất hiện nay cũng chính là những cổ phiếu đã tồn tại từ trước đây. “Tạo ra hàng hóa cho thị trường” sẽ là vô nghĩa nếu nhu cầu của những hàng hóa này là không đáng kể. Vậy cái gì đã làm tăng vọt nhu cầu những cổ phiếu này chỉ mới gần đây? Về những “thách thức và tồn tại”, Bộ trưởng nêu một số điểm sau: (1) giá chứng khoán tăng nhanh, do giá trên thị trường đã phản ánh đúng hơn giá trị thật của các cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa bị định giá thấp; (2) nguồn vốn trong nước rót vào thị trường chứng khoán qua các kênh cũng lớn; (3) nguồn vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán cũng lớn, “khoảng 3-4 tỷ USD”. Xin hỏi Bộ trưởng Ninh là “giá chứng khoán tăng nhanh” do phản ánh đúng giá trị thật của cổ phiếu thì có gì là nguy hiểm? Nói cách khác, nếu chỉ là kết quả của việc thị trường định giá lại giá cổ phiếu từ mức bị đánh giá thấp lúc cổ phần hóa thì sự tăng giá nhanh này làm sao có thể gọi là sốt được? Nếu như mong muốn của Chính phủ là biến thị trường chứng khoán thành một kênh để huy động vốn cho phát triển kinh tế, thì việc “nguồn vốn trong nước rót vào thị trường chứng khoán qua các kênh lớn” là một điều đáng mừng chứ sao? Là Bộ trưởng tài chính sao không biết con số chính xác nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, khi phải nói áng chừng một con số 3-4 tỷ USD? Đã có một số người “áng chừng” rằng con số này chỉ vào khoảng 2-3 tỷ USD. Vậy đâu là con số thật? (Xin thưa thêm là đối với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì 2 tỷ USD khác với 4 tỷ USD nhiều lắm!) Về những rủi ro và nguy cơ, có một số điểm sau: (1) “Nếu quản lý không tốt mà giá giảm nhanh thì các nhà đầu tư bị ảnh hưởng”, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, theo phong trào; (2) “Nhà đầu tư lớn nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, đang uỷ thác qua cá nhân để đầu tư. Nếu như rút vốn nhanh thì cũng có thể xảy ra những việc giảm giá nhanh về chứng khoán”. Nếu giá chứng khoán hiện nay đã ở mức quá cao, như Bộ trưởng và Chính phủ cũng thừa nhận, giả sử là 30% so với mức giá thực sự, thì việc để thị trường quay về với giá bằng 70% giá hiện tại là điều hợp lý và nên làm, cho dù nhiều nhà đầu tư “trót” kỳ vọng quá cao vào thị trường và mua đắt, nay bán ra sẽ bị lỗ lớn. Vậy mà Bộ trưởng định “quản lý tốt” để giá thị trường không xuống mức thực này, chỉ nhằm mục đích là không để nhà đầu tư “bị ảnh hưởng” ư? Bộ trưởng định làm “bà đỡ” cho nạn đầu cơ chứng khoán đến bao giờ? Bộ trưởng chỉ nói đến nhà đầu tư nước ngoài đang ủy thác qua cá nhân. Vậy những quỹ đầu tư và quỹ quản lý đầu tư thì sao? Họ không có khả năng, không có ý định rút vốn nhanh, và làm giảm giá chứng khoán nhanh hay sao? Tóm lại, với những câu trả lời chung chung kiểu học sinh không thuộc bài này, người nghe có quyền đặt dấu hỏi đến năng lực tổ chức và quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính mà Bộ trưởng Vũ Văn Ninh là người đứng đầu. Với cung cách này, thật khó hy vọng thị trường chứng khoán sẽ phát triển bền vững và đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế như ở nhiều nước khác. Và cũng thật lạ là không một người nghe nào lên tiếng! TS Phan Minh Ngọc Người đại biểu nhân dân (Nguồn: www.tuoitre.com.vn) |