Giáo dục VN: Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe Hơn 30 năm giảng dạy tại ĐH Mỹ, tự nhận mình là người biết được "thượng vàng hạ cám" của nền giáo dục này, TS. Trần Hữu Dũng, giáo sư ĐH Wright State trò chuyện về giáo dục ĐH Việt Nam nhìn từ nước Mỹ nhân dịp ông về nước mới đây. Trường Mỹ mà chất lượng không... Mỹ Có một thực tế là không ít gia đình ở VN đang quá đề cao nền giáo dục Mỹ, và muốn bằng mọi giá cho con em của mình theo học. Là một giáo sư giảng dạy lâu năm ở trường ĐH Mỹ, ý kiến của ông thế nào? | TS Trần Hữu Dũng |
GS Trần Hữu Dũng: Học để lĩnh hội những tri thức tinh hoa và tiên tiến để sau đó về phục vụ đất nước là việc nên làm. Với những gia đình có khả năng thì nên cho con em đi học ở bậc đại học hoặc bậc cao hơn. Nhưng với những gia đình có thu nhập bình thường thì cũng đừng nên quá lãng phí khi cho con đi học quá sớm ở Mỹ. Theo tôi, nếu đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở Mỹ thì đó là một sự lựa chọn đúng đắn, còn học trung học thì nên học ở Việt Nam, bởi giáo dục bậc trung học của Mỹ không được đánh giá cao. Nhưng phải nói rằng, áp lực cho con cái du học đang như là một trào lưu ở VN? Xung quanh tôi, đa số cha mẹ cho con đi ngoại quốc không phải là vì thấy giáo dục của nước ngoài tốt hơn mà vì áp lực của xung quanh, con của hàng xóm, bạn bè đều đi du học hết, do vậy mà đua theo. Trước những áp lực đó thì mình cần phải bình tĩnh, quan sát và nghiên cứu một cách khách quan, đừng để áp lực gia đình hay xã hội mà phải "học ở Mỹ bằng mọi giá". Một khi xác định cho con du học Mỹ là phải chọn những trường giỏi để theo học, bởi những trường tầm tầm thì cũng chẳng hơn gì các đại học Việt Nam, thậm chí còn dở hơn. Điều đặc biệt lưu ý là cần rèn luyện sinh ngữ để khi đến môi trường mới, các em có thể tận dụng được hết những cơ hội đến với mình. Giả sử gia đình GS đang sống tại Việt Nam, liệu có bị cuốn vào trào lưu này? Nếu sống ở Việt Nam, chắc hẳn gia đình tôi cũng sẽ đứng trước những phân vân như vậy. Ở Mỹ, hệ thống giáo dục đại học phân ra những đẳng cấp nào, thưa GS? Những trường càng lâu đời là những trường đáng tin nhất (như Harvard, MIT...). Trong khoảng 20, 30 năm nay có rất nhiều trường được lập ra, rồi lại đóng. Nếu trường nào sống được ba bốn chục năm thì đó thường là những trường tương đối đàng hoàng. Những trường công của Mỹ ở miền New England là những trường tương đối lâu đời và có đóng góp nhiều nhất đối với xuất khẩu giáo dục của nước Mỹ, thu góp rất nhiều sinh viên ở những trường khác, tiểu bang khác, hay nước khác đến học. Ở VN, hiện có nhiều trường của Mỹ nhắm đến, và chiêu sinh bẳng đủ cách. Nào là: Học ở VN lấy bằng Mỹ, học qua online, cho "nợ" Anh ngữ... Theo GS, có điều gì đằng sau những lời quảng cáo ngọt ngào đến dễ tin này? Tôi không tin vào mấy trường đó, cũng không tin lắm vào đội ngũ tư vấn du học (được chính các trường này trả tiền để chiêu sinh các học sinh từ VN). Giáo dục của Mỹ cũng "thượng vàng, hạ cám" lắm. Bạn bè tôi nói rằng, mấy trường làm ăn chụp giật ở Mỹ xác định thị trường các nước ở Đông Á, trong đó có Việt Nam, là những nơi dễ kiếm tiền nhất. Hãy xem, những trường "ngon lành" như Harvard, MIT... thì tự học sinh phải tìm đến... Nền giáo dục còi cọc Giáo sư có đồng ý không khi có người coi giáo dục là hàng hoá? Có thể coi giáo dục là hàng hoá, nhưng nó là những món hàng đặc biệt. Nếu những hàng hóa khác khi mua về ta có thể khám phá được chất lượng của nó ngay, mua xe thử đi vài ngày là biết được chất lượng, đọc một cuốn sách vài ngày là biết được hay hoặc dở, không thích thì trả lại hoặc nói người khác và người ta biết liền ngay, chứ với giáo dục thì không thể biết chất lượng ngay được. Chất lượng của một trường chỉ có thể được xác định qua nhiều năm và thậm chí là hàng trăm năm. Ta biết được chất lượng trường đó khi những người tốt nghiệp trường đó ra có việc làm, làm việc được. Có những trường mở ra rồi sau hai năm đòi đóng cửa thì ai chịu trách nhiệm? Dưới góc nhìn của GS, thì giáo dục đại học VN đang như thế nào? Tôi chỉ muốn là sau những ngày học tập miệt mài ở trường, các em sinh viên phải nhận được một lượng tri thức xứng đáng của một nền giáo dục đại học đúng nghĩa, chứ không phải là đến học để lãnh bằng cấp. Vào một số trường ở Việt Nam, thấy phương tiện, hạ tầng lớp học rất tệ, tôi thấy rất buồn. Và buồn hơn khi biết rằng kinh phí nhà nước đầu tư mỗi năm vào giáo dục không nhỏ, vậy mà đất nước vẫn chỉ có một nền giáo dục đại học còi cọc chừng đó. Theo GS, làm thế nào để có một nền giáo dục đại học có chất lượng theo đúng nghĩa của nó? Cái gì cũng có thể hoàn chỉnh được, vấn đề là quyết tâm của chúng ta. Đối với các giáo sư, phải tạo điều kiện cho họ có mức sống tối thiểu để chỉ phải lo việc dạy học mà thôi. Tôi nghĩ đa số giáo sư VN đều là người có tâm huyết với việc giảng dạy, tuy nhiên nếu họ không có được một đời sống vật chất hay sự yểm trợ tinh thần... thì có thể nhiều người sẽ buộc lòng họ phải làm thêm việc khác. Bên cạnh đó, phải lo hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để có những nhà trường, lớp học hay phòng thí nghiệm đàng hoàng. Chứ như bây giờ, trường nào cũng quá tải và lạc hậu. Hãy thử nhìn những nước xung quanh ta (như Singapore, Thái Lan, Malaysia), họ đã nhìn thấy được điều đó, và tôi không hiểu tại sao mình không thể làm được như họ?! Tôi rất thương các em VN ở chỗ đó. Sinh viên VN mình đâu có thua ai, có khi còn hơn nhiều nước khác. Giáo dục VN: loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe Vậy ông thất vọng nhất điều gì ở giáo dục VN? Khi đọc những tin tức về giáo dục của VN, tôi cứ thấy giống như một cuốn phim chiếu đi chiếu lại, luôn là những vấn đề sách giáo khoa, học thêm, bằng giả mạo… chuyện đi chuyện lại cũng vẫn vậy. Vấn đề triết lý giáo dục, giáo dục để làm gì, đào tạo đại học công hay tư, miễn học phí hay tăng thu học phí... thế giới đã bàn trước ta hàng chục năm. Người ta đã có kết quả nghiên cứu lợi hại ra sao, đúng sai thế nào. Vậy mà chúng ta bây giờ lại đem ra xới lại. Hoá ra, thay vì áp dụng kết quả đã có, tìm cách giải quyết các tồn tại khác của nền giáo dục, thì ta lại bàn về cái đã có. Điều này cũng giống như việc đi tìm cách phát minh lại... cái bánh xe vậy. Xin giáo sư cho ví dụ cụ thể hơn? Chẳng hạn vấn đề sách giáo khoa. Tôi không hiểu tại sao ngành giáo dục lại phải độc quyền. Ở Mỹ, đó là vấn đề được thị trường hóa, ai muốn làm cũng được miễn là phải đúng với những chủ đề mà Bộ Giáo dục đã đề ra. Mỗi trường có quyền chọn sách giáo khoa của mình và dùng thị trường để tuyển chọn theo cách đó. Các giáo viên không được tự chọn loại sách giáo khoa vì nhiều khi ông lại chọn sách của bạn bè ông. | Lễ khai giảng tại trường PTTH Chu Văn An (Yên Bái) |
Chuyện này đã được đem ra bàn bạc từ rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Có lẽ vì một số quyền lợi nào đó mà ai đó không muốn thay đổi các chính sách cũ. Vì thế cần có một nhà lãnh đạo mãnh mẽ nhìn đúng sự thật chứ không phải ngồi đó mà ra khẩu hiệu. Làm chính sách không phải là ra khẩu hiệu, và tôi đang có cảm tưởng một số chính sách giáo dục của VN chỉ theo kiểu hô khẩu hiệu mà thôi. Theo GS, có nên mở rộng cánh cửa cơ hội để ai cũng có thể tham gia vào giáo dục đại học? Theo tôi, ta cứ nên mở rộng cho thành phần tư nhân tham gia vào giáo dục đại học, nhưng bên cạnh đó cũng phải có những trường đại học miễn phí hoàn toàn của nhà nước. Phải có một con đường cho những sinh viên giỏi, không có thu nhập cao có điều kiện đến học. Nhà nước có hai nhiệm vụ là kiểm soát chất lượng tất cả các trường đại học trong nước và tạo ra một số những trường đủ lớn để hoàn toàn miễn phí cho những học sinh ưu tú. Được biết, GS cùng một nhóm cộng sự đã có một bản "Đề án cải cách giáo dục Việt Nam"? Đúng vậy. Chúng tôi đã cùng nhau tính toán, và ước tính chỉ cần mất 20 triệu USD là xây dựng được một trường đại học chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình mà không cần bất cứ sự đền đáp nào. Nhưng cho đến nay bản đề án này vẫn chưa nhận được tín hiệu nào từ ngành giáo dục. Thật bi hài, khi người ta bỏ ra hàng chục triệu USD để tổ chức hoa hậu, trong khi đó chưa ai dám bỏ ra 20 triệu USD để xây dựng một trường đại học tầm cấp quốc tế theo đúng nghĩa chuẩn của nó. Xin cảm ơn GS! Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/4886/index.aspx |