Tăng trưởng của Việt Nam có thực sự nhanh và bền vững? Vũ Thành Tự Anh (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam hiện đang nằm giữa hai nhóm phát triển thấp và trung bình. Từ thực tế này, hai câu hỏi cần đặt ra là: Thứ nhất, tại sao mặc dù xuất phát điểm của Việt Nam thấp hơn, đồng thời tỷ lệ đầu tư trên GDP lại rất cao so với các nước trong khu vực nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực? Thứ hai, tăng trưởng của Việt Nam có ổn định và bền vững hay không? Cả hai câu hỏi này đều không phải là những câu hỏi dễ dàng. Đối với câu hỏi đầu tiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam không cao vì hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp, được thể hiện qua hệ số ICOR – là hệ số cho biết số đơn vị đầu tư (tính theo % của GDP) cần thiết để đạt được 1% đơn vị tăng trưởng GDP, nghĩa là nếu chỉ số này càng cao thì hoạt động đầu tư càng kém hiệu quả. Nhìn vào Bảng 2 ta thấy ICOR của Việt Nam hiện đang rất cao so với Hàn Quốc và Đài Loan trong những giai đoạn phát triển tương đương. Chẳng hạn như Đài Loan đã duy trì được tốc độ tăng trưởng 9,7% trong suốt 20 năm mà chỉ cần đầu tư 26,2% GDP, trong khi đó Việt Nam đầu tư tới 33,5% GDP nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình cũng chỉ đạt 7,6%. Nói cách khác, cái giá phải trả cho tăng trưởng của Việt Nam cao gần gấp đôi so với Đài Loan. Hệ số ICOR của Việt Nam so với một số nước trong khu vực Nước | Giai đoạn | Tăng trưởng GDP (%/năm) | Tổng đầu tư (% của GDP/năm) | ICOR | Hàn Quốc | 1961-80 | 7,9 | 23,3 | 3,0 | Đài Loan | 1961-80 | 9,7 | 26,2 | 2,7 | In-đô-nê-xia | 1981-95 | 6,9 | 25,7 | 3,7 | Ma-lay-xia | 1981-95 | 7,2 | 32,9 | 4,6 | Thái-lan | 1981-95 | 8,1 | 33,3 | 4,1 | Trung Quốc | 2001-06 | 9,7 | 38,8 | 4,0 | Việt Nam | 2001-06 | 7,6 | 33,5 | 4,4 |
Nguồn: FETP tổng hợp từ số liệu của WB, WDI, Niên giám Thống kê Đài Loan 1992 Câu hỏi thứ hai đưa chúng ta trở về với bối cảnh chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong mấy năm trở lại đây, trong đó một vấn đề nổi lên hàng đầu là lạm phát. Mặc dù tốc độ tăng trưởng không có sự cải thiện đáng kể nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng đột biến, từ mức 3-4% vào đầu những năm 2000 lên tới 12,6% năm 2007. Không thể phủ nhận việc giá xăng dầu và một số nguyên liệu sản xuất trên thị trường thế giới tăng nhanh trong thời gian qua là nguyên nhân khách quan dẫn tới việc tăng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề lạm phát ở Việt Nam không đơn thuần chỉ là do yếu tố khách quan, mà quan trọng hơn chính là do các yếu tố chủ quan, có tính nội tại của nền kinh tế. Cụ thể là, thứ nhất, nếu lạm phát có nguyên nhân chủ yếu từ việc tăng giá thế giới thì các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malayxia... cũng đều phải chịu cú sốc tương tự. Tuy nhiên, lạm phát ở các nước này tính đến thời điểm hiện nay lại thấp hơn đáng kể so với Việt Nam (Hình 2). Nguyên nhân chính là cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tỷ lệ đầu tư/GDP cao kỷ lục, tín dụng tăng trưởng rất nhanh, trong đó một tỷ lệ rất lớn được dành cho các DN nhà nước kém hiệu quả. Đồng thời, tính không độc lập của Ngân hàng Nhà nước làm xói mòn khả năng điều hành chính sách tiền tệ và chống lạm phát của cơ quan này. Thứ hai, tuy đã nhìn thấy và đưa ra một số chính sách kiềm chế lạm phát nhưng điều quan trọng là Chính Phủ chưa nhận thức đúng hoặc cố tình phủ nhận những nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến lạm phát. Đầu tiên, ở lĩnh vực tiền tệ, đó là tăng cung tiền và tín dụng. Trong giai đoạn vừa qua, VN tiếp nhận khá nhiều nguồn vốn FDI, đầu tư gián tiếp, ODA, kiều hối... từ nước ngoài. Dòng ngoại tệ chảy vào VN rất lớn gây sức ép tăng giá VND, và do vậy có nguy cơ làm giảm xuất khẩu, tăng nhập khẩu, và làm cho tình trạng thâm hụt cán cân thương mại thêm nghiêm trọng. Do lo ngại điều này, Chính phủ đã cố giữ tỷgiá USD/VND ổn định bằng cách tung tiền đồng ra để mua vào khoảng 9 tỉ USD. Ở lĩnh vực tín dụng, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-8,5%/năm, Chính phủ liên tục thúc đẩy tăng tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước là nơi sử dụng đồng vốn hiệu quả thấp. Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VN trong 5 năm trở lại đây vào khoảng 30%/năm (năm 2007, con số này tăng đột biến, lên tới hơn 40%). Với tốc độ tăng tín dụng cao trong nhiều năm liền, đồng thời cung tiền tăng đột biến, lạm phát xảy ra là điều tất yếu. Chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam và một số nước trong khu vực (2007) Nguồn: Economist Intelligent Unit Lạm phát cao gây nên nhiều tác động tiêu cực, trong đó có ba vấn đề đặc biệt đáng lo ngại. Thứ nhất, CPI tăng nhanh là một thứ “thuế lạm phát” làm giảm mức sống của đại bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là những người hưởng lương cố định và có thu nhập thấp. Thứ hai, vì mức lạm phát cao hơn lãi suất tiết kiệm (tức là lãi suất thực bị âm) nên tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế phải chạy đi tìm những cơ hội đầu tư có suất sinh lời cao hơn như địa ốc hay chứng khoán. Việc đầu cơ quá mức vào bất động sản và chứng khoán làm xuất hiện hiện tượng bong bóng tài sản; và sớm hay muộn thì hiện tượng này cũng sẽ dẫn tới sự bất ổn định cho nền kinh tế. Thứ ba, hiện nay tỉ lệ dư nợ cho vay mua bất động sản ở hệ thống ngân hàng thương mại là khoảng 10%, một tỉ lệ khá cao. Đáng lo ngại hơn, rất nhiều các khoản vay ngân hàng được bảo đảm bằng bất động sản với giá bong bóng. Điều này có nghĩa là, nếu bong bóng vỡ, bất động sản rớt giá thì tài sản bảo đảm này không còn đảm bảo nữa. Hệ quả là nhiều khoản vay sẽ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn về kinh tế vĩ mô. Thậm chí, có thể nói rằng nhiều dấu hiệu tiền khủng hoảng 1997-1998 đã xuất hiện ở Việt Nam. Khác chăng chỉ là ở ba điểm: thứ nhất, vay nợ của VN vẫn ở trong phạm vi kiểm soát được; thứ hai, VN vẫn chưa tự do hóa tài khoản vốn; và thứ ba, chưa có một cú sốc đủ mạnh từ bên trong hay bên ngoài nền kinh tế. Bên cạnh những vấn đề về ổn định vĩ mô thì cũng còn có một số vấn đề cản trở sự tăng trưởng cao và bền vững của VN như hệ thống giáo dục và dạy nghề yếu và thiếu, cơ sở hạ tầng quá tải và chi phí cao, thiếu vắng những DN cạnh tranh toàn cầu, năng lượng vừa thiếu vừa đắt, bất bình đẳng trong xã hội ngày càng cao, môi trường suy thoái ngày càng nghiêm trọng... Bài viết này mới chỉ bàn về tăng trưởng bền vững ở Việt Nam mà chưa thảo luận một cách đầy đủ các khía cạnh khác của phát triển bền vững như môi trường, năng lượng, và xã hội. Tăng trưởng bền vững chỉ là một trong những điều kiện cần và chắc chắn không phải điều kiện đủ cho phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế - thường được đo bằng GDP - chỉ là phương tiện chứ chưa phải và không bao giờ là mục đích cuối cùng của nền kinh tế. Hơn nữa, nếu tính cả những thiệt hại và chi phí do ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, căng thẳng xã hội... gây ra thì liệu GDP của chúng ta có tăng trưởng trên dưới 8% một năm như hiện nay hay không? Tăng trưởng của VN hiện nay chưa cao nhưng đã xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn. Chạy theo tăng trưởng ngắn hạn có thể thỏa mãn thành tích nhất thời nhưng sẽ không bền vững. Cần nhận thức một cách đúng đắn rằng tăng trưởng là một cuộc đua đường trường, và vì vậy chính phủ cần đặt ưu tiên cao nhất cho sự ổn định bằng cách giải quyết những ách tắc cơ bản trong nền kinh tế. Nếu làm được điều này, không những nền kinh tế Việt Nam có thể hiện thực hóa được những tiềm năng to lớn của mình, đồng thời sự phát triển cũng trở nên bền vững hơn. |