Câu chuyện phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam (Vinasat) được ca ngợi là “thành tích lớn” của ngành viễn thông. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của dự án hàng trăm triệu đô la Mỹ này rất mờ mịt, ngay cả đơn vị chịu trách nhiệm kinh doanh cũng cho rằng chỉ có “lãi ngầm”.
THÀNH TRUNG
Bất kỳ một dự án kinh tế nào cũng phải đặt vấn đề hiệu quả lên hàng đầu. Vinasat là một dự án đặc biệt, được Nhà nước rót vốn và được xác định mang ý nghĩa chính trị, xã hội và phục vụ công ích nhiều hơn là một dự án kinh doanh. Tuy nhiên không thể vì điều này mà không nói đến hiệu quả của dự án.
Cho đến nay, chủ đầu tư của dự án Vinasat là tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), và Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), đơn vị được ủy quyền khai thác, vẫn chưa có những nghiên cứu, tính toán cụ thể về kế hoạch kinh doanh của dự án này.
Dự án Vinasat có vốn đầu tư ban đầu là 250 triệu đô la Mỹ, nếu tính cả chi phí khai thác dịch vụ và các khoản chi phí khác thì con số này lên tới hơn 300 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng tính kinh tế của dự án lại là “chuyện khó nói” mà ngành viễn thông muốn né tránh. “Đây là vấn đề khá tế nhị và phức tạp”, một quan chức của VNPT nói.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VTI, nói với TBKTSG rằng: “Dự án Vinasat có ý nghĩa khẳng định chủ quyền của Việt Nam, nên lãi chỉ là lãi ngầm”. Ông Khánh cũng thừa nhận: “Công ty chưa tính hết trong tương lai giá cả dịch vụ vệ tinh sẽ như thế nào, cho nên (khả năng lãi) chỉ là bài toán tương đối”.
Bỏ ra hơn 300 triệu đô la tiền ngân sách cho một dự án có vòng đời không dài lắm (15 năm) mà không rõ hiệu quả về kinh tế là điều đáng suy nghĩ. Một chuyên gia kinh tế, khi trao đổi với TBKTSG về hiệu quả của các dự án kinh doanh được “bầu sữa” nhà nước bao cấp, đã bày tỏ lo ngại về kiểu tư duy “nửa vời” của các doanh nghiệp nhà nước.
“Làm ăn kinh tế thời buổi này không có chỗ cho những đầu óc và suy nghĩ còn nặng tính bao cấp. Kiểu tư duy nửa vời không thích hợp cho một dự án hàng trăm triệu đô la và rõ ràng, nó rất nguy hiểm. Kinh doanh là phải nghĩ đến lời lãi, đến lợi nhuận, phải xem đó là trọng trách với nước, với dân, là mục tiêu phải hướng tới”, vị chuyên gia nói.
Theo VTI, việc phóng Vinasat sẽ đạt được năm mục tiêu lớn: khẳng định chủ quyền Việt Nam tại quỹ đạo 132 độ Đông; phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; đảm bảo bí mật an ninh, quốc phòng; cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông hiện đại; mở rộng kinh doanh viễn thông và phát thanh-truyền hình ra quốc tế; và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Có thể thấy, ngay từ mục tiêu đề ra, hiệu quả kinh tế đã bị xem nhẹ.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin vệ tinh, thuộc VTI, đơn vị trực tiếp khai thác Vinasat, cho rằng tính kinh tế của dự án là bài toán không dễ giải vì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố của thị trường. Giả định của ông Hùng là trung bình hàng năm doanh thu là 20-30 triệu đô la Mỹ, nhưng còn tùy theo số lượng sản phẩm dịch vụ viễn thông và truyền hình bán được, cũng như sự biến động giá, mà những yếu tố này chưa được tính tới.
Theo tính toán của Trung tâm Thông tin vệ tinh, mỗi năm chủ đầu tư mất 2-3 triệu đô la Mỹ chi phí vận hành, khai thác, quảng cáo tiếp thị, nhân công, máy móc nhà xưởng, bảo hành sửa chữa và đào tạo nhân lực...
“Dự án Vinasat có ý nghĩa khẳng định chủ quyền của Việt Nam, nên lãi chỉ là lãi ngầm”. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VTI |
Vấn đề quan trọng nhất, theo Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin (NIPTS), là VTI phải xác định rõ “đường đi nước bước” phù hợp, và Nhà nước phải rà soát tất cả các quy chế hoạt động, cơ chế tài chính để tạo môi trường thông thoáng, linh hoạt cho nhà kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường vệ tinh quốc tế cạnh tranh rất khốc liệt, các nước sở hữu vệ tinh đã có nhiều kinh nghiệm khai thác và có mức giá ưu đãi, Việt Nam không thể đợi đến lúc phóng vệ tinh xong mới nghĩ đến tiếp thị, mời khách hàng.
Thực tế, khâu chào hàng mất rất nhiều thời gian với hàng loạt vấn đề phát sinh, và chậm một tháng có thể làm Việt Nam mất hàng triệu đô la. Tiến sĩ Tuấn cho rằng, xét về tính kinh tế, dự án chỉ có thể sinh lãi nếu chủ đầu tư khai thác tốt mảng dịch vụ vệ tinh cho phát thanh - truyền hình vì dùng cáp quang cho lĩnh vực này không hiệu quả bằng vệ tinh.
“VTI cần hướng đến phát thanh truyền hình vì chỉ có ngành này mới mang lại lợi nhuận. Muốn vậy, phải xác định kế hoạch khai thác, khách hàng tiềm năng, nhu cầu, gói dịch vụ, giá cước, nhất là dịch vụ pay-per-view, cách quản lý...”, Tiến sĩ Tuấn khuyến cáo.
Theo ông Tuấn, xu hướng sử dụng vệ tinh viễn thông sẽ giảm dần vì hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, khả năng sinh lời của Vinasat không cao và nếu chỉ kinh doanh thì nên cho thuê vệ tinh, không nên hy vọng nhiều ở khả năng này của Vinasat.
Ngày 10-4-2008 Việt Nam sẽ phóng vệ tinh Vinasat Vệ tinh Vinasat dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ vào ngày 10-4-2008 từ bãi phóng Kourou thuộc Guyana, Nam Mỹ và đưa vào khai thác từ cuối quí 2-2008. Để thực hiện dự án này, ngoài nguồn vốn riêng, VNPT được vay 80% vốn từ Ngân hàng Ngoại thương và quỹ hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển do Chính phủ bảo lãnh, với lãi suất ưu đãi và mức ân hạn từ 2-4 năm đầu. Hiện nay đã có 12 doanh nghiệp, cơ quan đăng ký sử dụng, trong đó có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Theo ông Bùi Thiện Minh, Phó tổng giám đốc VNPT, khó khăn nhất của hai đơn vị này là phải bố trí vốn ngân sách để sử dụng các dịch vụ từ vệ tinh. |
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn