Chúng ta đã vội vàng làm xấu đi...
Tôi và nhiều người VN ở trong và ngoài nước, sẽ chẳng thú vị gì khi nhìn thấy Vịnh Nha Trang được trang điểm bằng cái mạng nhện bằng thép. Đã có quá nhiều bài viết về những chuyện như thế, nhưng đều là sau khi “sự đã rồi"!
Hãy nhìn xem chúng ta có những gì thiên nhiên ban cho, mà đã vội vàng làm xấu đi.
Nào là Tuần Châu lấp biển ngăn dòng - mốt một thời, phố ven Vịnh Hạ Long: xây nhà ống kín mít và trong vịnh thì san hô đã chết hết, Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn: đã nung vôi, Động Tam Thanh: đã phá, Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt, Chùa Hương, đồi Vọng Cảnh (Huế), Bảo tàng Chàm (Đà Nẵng), nhiều đô thị: xây dựng không quy hoạch, xấu xí. Sắp tới, Vincom còn có kế hoạch để "biến hóa" cả Công viên “Thống Nhất” ở Hà Nội. Chẳng có gì tự hào về nền “kiến trúc Việt Nam”…
Và bây giờ, lại thêm cái cáp treo “dài nhất thế giới”!
|
Cáp treo Vinapeal. Ảnh: timnhanh.com |
Đã có nhiều ý kiến nói về “lợi ích công cộng”, về các quy định. Nhưng quan chức ở các thành phố “không nhìn thấy” nhà xây không phép, dù cho chúng cao lừng lững giữa phố. Các quan chức ở tỉnh thì “không biết cái quy hoạch”, hay: “tôi chưa nghe thấy”…
Đâu đó có vài bài PR "dọn đường dư luận" trước khi có một dự án “nhất thế giới", "lấp biển ngăn sông”, “biến không thành có”. Mà nhiều người cố tình quên rằng cảnh quan thiên nhiên là tài nguyên quốc gia và của toàn dân, đâu phải là sở hữu riêng của cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp. Và đó càng không phải là chỗ để khai thác bừa bãi theo cái tư duy “trưởng giả học làm sang”, học mót, học đòi, vay mượn….
"Tư duy tổ mối"
Tôi tâm đắc câu phán của “Ngọc Hoàng” trong buổi tấu của các “Táo” cuối năm vừa rồi: “Đừng cố chứng minh với người nước ngoài là mình bắt chước họ giỏi như thế nào!”.
Nhớ đến câu nói của người Nhật: “Phóng tấm ảnh đứa trẻ lên kích thước bằng cái sân vận động, nó cũng không thành người lớn”, tôi lại lo lắng nay mai các con “rồng” bê tông (đường sắt trên cao) làm bằng hàng tỷ đô la nợ nần sẽ gào thét trên đầu người dân đô thị, để có thành phố mang vẻ mặt “hiện đại”. Ngay nước láng giềng Thái Lan đã và đang trả giá ở Bangkok vì điều đó.
Trong khi đó, vì không quy hoạch, mà chi phí đền bù để giải phóng mặt bằng làm đường cho đô thị trở nên con số khổng lồ - cái việc mà nếu biết làm trước thì không mất, lại còn được.. (Hà Nội muốn có đường sá “tử tế”, phải tốn ít ra 15-18 tỷ USD đền bù)…
Điều này làm tôi liên tưởng cái tổ mối và “tư duy” của loài mối: không hình thù gì cả, vội vã, phá hết cái tự nhiên đang có, trèo lên đầu lên cổ nhau. Sự đổ bể đến ngay một sớm một chiều. Mối chúa no béo thì bay đi lập tổ mới, nơi chưa có con mối nào đến. Còn lũ mối thợ ở lại với cái tổ mối, một cơn mưa là trôi sạch. Tôi muốn gọi tư duy đó đó là “tư duy Termit” (tư duy tổ mối)!
Hình dung tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa, vô quy hoạch, mạnh ai nấy “sáng tạo” hiện nay, có vẻ “tư duy termit” đang là phổ biến!
Trở lại công trình cáp treo của VinaPeal ở Nha Trang, tôi có vài lời như sau:
1. Nếu cần, hãy lên bảng tính lợi ích được và mất (các giá trị vật thể và phi vật thể) khi có và không có sợi cáp này. Chúng ta hãy tính xem tiền vé đi cáp treo đến khi nào mới bù trả được sự xúc phạm thiên nhiên, cảnh quan và lợi ích cộng đồng. Chuyện lợi ai, thiệt ai sẽ rõ: đâu là lợi ích doanh nghiệp, đâu là lợi ích cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên.
2. Các cơ quan quản lý hãy làm việc trên lợi ích quốc gia lâu dài, và của xã hội, không chỉ phục vụ lợi ích doanh nghiệp. Mọi thắng cảnh thiên nhiên, công trình văn hóa là tài nguyên quốc gia, tài sản dân tộc. Các vị chỉ được giao cai quản và giữ gìn, làm tăng của cải đó, chứ không làm tổn hại và mất đi.
3. Các doanh nhân hãy chứng tỏ tầm nhìn của mình cao hơn lợi ích cụ thể của trò chơi du nhập. Hãy có trách nhiệm cộng đồng, xã hội cao hơn trong đầu tư. Hãy dũng cảm dỡ bỏ tuyến cáp này, trả lại cho thiên nhiên Vịnh Nha Trang và tương lai của nó cho toàn dân hôm nay và con cháu, cho sự chiêm ngưỡng của dân Việt và khách quốc tế.
Mong các doanh nghiệp hãy biết dùng tiền của mình với tư duy tốt hơn, bền vững hơn… và tôn trọng xã hội, cộng đồng hơn (thế kỷ này là thế kỷ trí tuệ cơ mà), dù làm bất kỳ công trình nào, to hay nhỏ, dù ở đâu trên đất nước Việt Nam này.
4. Các nhà khoa học, cơ quan quy hoạch phát triển văn hóa, kiến trúc hãy đóng vai trò khách quan, khoa học, dũng cảm… hãy cảnh báo kịp thời và ngăn chặn mọi quá trình phát triển “tổ mối”.
5. Tất cả chúng ta hãy tôn trọng thiên nhiên, di sản văn hóa mà tổ tiên để lại. Hãy cư xử trân trọng, giữ gìn, không vì cái lợi nhỏ trước mắt, cục bộ, mà quên đi tương lai. Đừng sính những cái danh hão “nhất” chỗ nọ, “nhất” chỗ kia…Hãy hành động vì giá trị chân thực có trí tuệ và trách nhiệm cho cộng đồng 86 triệu dân Việt Nam và tương lai của đất nước ta.
Trần Kim Quy (Hà Nội)
Nguồn: tuanvietnam.net