Isaac Newton (1642 – 1729) là nhà bác học đại tài, nhưng cũng có lúc lẩm cẩm; ví dụ như ông suy luận: cần phải có lỗ lớn cho mèo lớn, lỗ nhỏ cho mèo nhỏ. Và, ông đã vì mèo bắt tay vào làm cái chuyện khoét hai cái lỗ để mèo theo đường đó mà ra vào phòng. Điều đó có khác gì luồng tư duy về quản lý bất động sản của ba Bộ: phải có giấy đỏ để xác định quyền sử dụng đất (QSDĐ), phải có giấy hồng để xác nhận quyền sở hữu (QSH) nhà ở - đất ở, phải có giấy xanh để xác lập quyền giao dịch mua bán bất động sản… Và, ba Bộ đã vì dân bắt tay vào thực hiện ba loại giấy này. Trong hai trường hợp trên, cả con mèo và người dân đều nhận ra: có ai đó đã nhân danh “vì mình” để làm cái chuyện “vì họ”. Bởi vậy cho nên, mèo vẫn đi theo đường mà mèo thích đi; còn người dân thì hát ví von rằng: “Giấy xanh, giấy đỏ, giấy hồng. Ba giấy cộng lại, không bằng… giấy tay”. Đường dễ thì đi, việc thuận thì làm, phiền quá thì “chui”; thử hỏi, làm gì nhau? Chuyện hôm qua: giấy màu trắng Ai cũng biết, lũ mèo vào được trong phòng của nhà khoa học trước khi có hai cái lỗ, vậy sau đó hai cái lỗ được khoét để làm gì? Phải chăng nhà khoa học muốn “uốn nắn” đường đi của mèo? Người biết chuyện ai cũng bật cười tính lẩm cẩm nhưng dễ thương của nhà khoa học. Tương tự, từ rất lâu đời, trước khi có những cái giấy màu gì đó của Nhà nước mình bảo hộ quyền bất động sản cho người dân, đất đai cũng đã có chủ (hoặc đất công, hoặc đất tư), tất cả đều có giấy tờ rõ ràng, minh bạch. Nhà vẫn được xây dựng (nếu không thì ở đâu?) và những tài sản đó sẽ sang tay hoặc cầm cố nếu người chủ sở hữu có nhu cầu (không lẽ đói lại giữ nhà đất để gặm thế cơm?). Vào thời kỳ đó nhà cửa đất đai ít tranh chấp, ít khiếu kiện; có lẽ do mọi chuyện đều thuận theo lẽ tự nhiên và đã hợp tình, hợp lý. Sau đó, nhiều chủ trương chính sách của Nhà nước liên quan đến bất động sản được ban hành rồi liên tục thay đổi, nhà cửa đất đai đã trải qua nhiều lần xáo trộn. Đất đai mà nói được nó sẽ than rằng: “Thân em như tấm lụa đào. Tách ra rồi lại nhập vào… tách ra”. Còn chủ sở hữu của những tài sản bất động sản đó phải gánh chịu bao phen điêu đứng. Tuy vậy, người dân đã sẵn lòng nín thở qua sông chung với Nhà nước vì biết rằng: “cốt lõi của vấn đề trên là vì Nhà nước muốn đem những điều tốt đẹp đến cho đất nước, cho dân; nhưng trong quá trình thực hiện, đôi lúc cũng có cái sai, cái đúng”. Điều đáng phê phán là có một số người trong cơ quan công quyền đã lợi dụng cơ hội này “thừa nước đục thả câu”. Nếu người ta dễ dàng thông cảm với nhà khoa học về chuyện ông muốn mèo đi theo ý của mình, vì suy cho cùng ông chẳng lợi lộc gì từ chuyện này cả; thì chuyện tách ra nhập vào của đất đai và xáo trộn về nhà cửa lại khác. Những chuyện đã xãy ra trong quá trình thay cũ đổi mới cho người ta thấy: rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ bị rút ruột hóa thành nhiều trang trại. Đất nông trường, lâm trường trở thành đất tư nhân. Dùng nhiều thủ đoạn biến đất của người khác thành của riêng mình. Còn nhà cửa thì: cái bị tịch thu, cái bị chiếm dụng, cái lén sang tay…. Tất cả những chuyện thay ngôi đổi chủ đó được thực hiện bởi một tờ giấy màu trắng – tờ quyết định! Những chuyện của ngày hôm qua đã làm Nhà nước nhiều suy ngẫm, người dân thì hết hồn, còn những người “yêu biết mấy sự xáo trộn” lại hân hoan. Chuyện hôm nay: đỏ, hồng, xanh và… hơn thế nữa Tiếp theo chuyện tách ra nhập vào đương nhiên phải tính đến giấy Chứng nhận QSD và QSH tài sản bất động sản, vì cái sở hữu chung chung đã bộc lô lắm sự nhiễu nhương. Một lần nữa, người dân lại thót tim vì, lúc thì không có một tờ giấy để lận lưng, lúc thì “giấy đỏ chưa xong, giấy hồng chưa tới, giấy xanh lại thập thò và biết đâu… hơn thế nữa”. Bộ Tài nguyên Môi trường – cha đẻ của giấy đỏ, nói rằng: “Cần phải có giấy Chứng nhận QSDĐ, cho dân”, Bộ Xây dựng – nơi khai sinh ra tờ giấy hồng, cũng trách nhiệm với dân không kém: “Nhất thiết phải có giấy Chứng nhận QSH Nhà ở – Đất ở, cho dân”, Bộ Tư pháp cũng đang thai nghén một tờ giấy xanh vì: “Không thể không có giấy xác lập quyền giao dịch và thay đổi chủ sở hữu, cho dân”. Chuyện này cũng lẩm cẩm na ná như lỗ lớn mèo lớn, lỗ nhỏ mèo nhỏ vậy. Thấy ngộ, người dân liền lên tiếng rằng: “Thưa Nhà nước, dân mà được lợi từ ba loại giấy ba màu của ba Bộ, dân… chết liền!”. Nếu người dân không thấy được cái lợi từ các loại giấy Chứng nhận nhiều màu của nhiều Bộ, thì Nhà nước vừa tốn công, vừa tốn của vì ba cái giấy này để làm gì? Phải chăng là vì Nhà nước thấy có lợi? Nếu vậy, người dân rất sẵn lòng hợp tác để Nhà nước tiện việc quản lý tài nguyên, định hướng quy hoạch, khai thác tài sản bất động sản của dân đưa nó vào vận hành trong xã hội tái tạo thành nguồn vốn đầu tư, với điều kiện: Nhà nước phải tạo thuận lợi cho dân trong việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Đừng như hiện nay, dân bị lọt vào cái cảnh chỉ có một nhúm tài sản bất động sản mà tới ba Bộ đòi quản. Buộc người dân phải thực hiện ba thủ tục, ba quy trình, gõ ba cửa khác nhau; lại còn đơn xin, chầu chực, đút lót, chung chi,… để được cho phép (hay không cho phép) đăng ký và chứng nhận QSD và QSH tài sản bất động sản. Chuyện hôm qua và những khuất tất của nó còn làm người dân ngán ngại. Chuyện hôm nay lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại làm người dân không khỏi nghi ngờ. Đỏ, hồng, xanh rồi có phải là “một tờ lam lam, tiếp theo tờ vàng vàng” gì gì nữa? Phải chăng, đây lại là sản phẩm biến tướng của những người thích khuấy cho đục nước để béo cò? Cái chuyện nay giấy này, mai giấy khác đã phản ánh trọn vẹn phẩm chất, trình độ và năng lực điều hành của bộ máy quản lý Nhà - đất. Chuyện ngày mai: không phải 3 mà 1 - Tại sao không? Chắc chỉ có đất nước của mình mới có cái chuyện “nhà nhà, người người” trong xã hội tốn nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tiền của cho những cái giấy liên quan đến bất động sản. Không loại trừ đó là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước của mình kém phát triển so với các nước trong khu vực. Giá phí xã hội, chi phí cơ hội phải trả cho những tờ giấy đỏ, hồng, xanh và hơn thế nữa… này quá lớn. Thôi, nên chăng ta tạm ngưng làm, hãy nhìn lại tất cả những gì liên quan đến bất động sản một cách thật thấu đáo rồi cùng nhau tìm cách gỡ. Như ta đã biết, sản phẩm bất động sản không chỉ có nhà và đất mà có hàng ngàn loại khác nhau, gồm tất cả những gì gắn kết lâu năm trên đất và không dịch chuyển, trong đó có vật kiến trúc; ví dụ: cầu, đường, công viên, nhà ga, sân bay…. Trong thời TWO những sản phẩm này sẽ được thực hiện bởi nhiều nguồn vốn khác nhau, nên sắp tới Nhà nước cũng phải thừa nhận QSD hay QSH. Vì vậy, luồng tư duy mỗi sản phẩm một giấy, mỗi giấy một màu và một Bộ quản như hiện nay là không thể. Còn người dân dù rất có lòng, cũng khó có thể hợp tác với Nhà nước vì tốn quá nhiều thời gian, tiền của, công sức để rồi vừa bị quản, vừa bị hành. Nhưng sâu xa hơn, người dân muốn Nhà nước hiểu: dân phản ứng việc này vì không thể cứ lẩn quẩn, tù mù, tủn mủn, xoay chung quanh mấy cái giấy đỏ, hồng, xanh…; trong khi cuộc sống có biết bao điều tốt đẹp đáng quan tâm hơn. Vì vậy, chuyện những cái giấy chứng nhận nên gói lại, đừng để toàn xã hội phải bận lòng vì nó nữa. Thiết nghĩ, chỉ cần một quyển sổ nhưng có thể có nhiều tờ cho tất cả các loại sản phẩm bất động sản để người dân tiện việc thực hiện quyền lợi của mình như: sở hữu, bán, mua, cho, thừa kế, v.v… và đó cũng là căn cứ để người dân đóng góp nghĩa vụ đối với xã hội. Đồng thời, thông qua quyển sổ đó Nhà nước quản lý được tài sản bất động sản của dân – nguồn tài nguyên và của cải quý giá của xã hội. Tất cả những việc đó phải được thực hiện với một thủ tục nhanh gọn, quy trình đơn giản, tiếp đón trân trọng để người dân vui lòng tự nguyện hợp tác với Nhà nước. Nhưng, nếu ba Bộ vẫn kiên quyết duy trì ba giấy như hiện nay thì sao? Thì lãnh đạo Nhà nước hãy vì dân mà kiên quyết: hoặc gom ba giấy lại thành một, hoặc tách Bộ Tư pháp ra khỏi vụ việc này; xác nhập Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ xây dựng lại thành một Bộ theo luồng tư duy thuận lẽ tự nhiên: đất và vật kiến trúc gắn trên đất (các nước trong khu vực cũng đang áp dụng mô hình này). Còn nếu Lãnh đạo không làm được như thế, e rằng người dân sẽ rất khó hợp tác với Nhà nước trong việc thực hiện những thủ tục liên quan đến bất động sản rồi “tự xử” với nhau – như đã và đang xãy ra thì sẽ rối rắm hơn nhiều. Viết thêm: Sau khi nhiều báo đài đồng loạt lên tiếng không đồng tình với chuyện 3 giấy của ba Bộ, “ Trển” đã nhất trí gom ba giấy lại thành một. Dân và doanh nghiệp, mừng húm! Nhưng (giá mà cuộc đời đừng có chữ nhưng) gom như thế nào không biết, mãi đến hôm nay rất hiếm ai nhận được một tờ giấy màu gì đó để lận lưng. Nghe đồn, Bộ xây dựng nói “chỉ có Bộ mới đủ thẩm quyền cấp một giấy cho dân”, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng muốn “nhận trách nhiệm thiêng liêng” với dân. Trong lúc hai Bộ dằn co thì công chuyện làm ăn của dân phải chờ, vì vậy sự phát triển của nền kinh tế cũng chờ theo hai Bộ….” “Trển” ơi, “Trển” có nghe thấy dân nói gì không?Dân nói rằng “hành dân như thế là hơi bị nhiều” đấy. TẠ THỊ NGỌC THẢO (Bài đã đăng báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần và đài VTV1 đọc lại trên mục “Điểm báo buổi sáng”.) |