Do những điều kiện lịch sử khách quan, người Việt chúng ta thật tinh tế, nhưng đồng thời cũng thật câu nệ trong cách xưng hô. "Tôi" cũng có thể là "em", cũng có thể là "con", mà cũng có thể là "cháu". Mỗi cách xưng hô xác lập ngay một thái độ, một mối quan hệ đầy ước lệ và trên dưới. Việc gọi "thầy" xưng "tôi", gọi "thầy" xưng "em" hoặc gọi "thầy" xưng "con" cũng vậy. Đó là lý do tại sao trong các trường đại học của chúng ta chưa bao giờ sinh viên dám xưng "tôi" với thầy cô giáo. Xưng "tôi" tạo nên một vị thế bình đẳng. Và điều đó có thể gây sốc trong một nền giáo dục coi trọng việc "gọi dạ, bảo vâng", coi trọng sự chấp thuận các kiến thức và chân lý đã được cung cấp sẵn. Tuy nhiên, một nền giáo dục như vậy có vẻ như đang đẻ ra vô số vấn đề cho đất nước. Vì rằng nó chỉ có thể tạo ra những thần dân thụ động. Trong lúc đó, đất nước lại đang cần những công dân biết yêu tự do, dám đột phá về tư duy và biết sáng tạo không ngừng. Tạo mối quan hệ bình đẳng giữa thầy và trò là một phần quan trọng của công cuộc cải cách giáo dục. Đó là điểm khởi đầu cho cách dạy và cách học mới khi trò có thể phản biện lại thầy, có thể thách thức các chân lý do thầy đưa ra. Trong quá trình phản biện và thách thức chân lý, không chỉ trình độ của sinh viên mà trình độ của thầy cô giáo cũng được nâng cao. Ngoài ra, một cách học như vậy cũng sẽ sôi động biết bao, hào hứng biết bao! Không gì tẻ nhạt hơn là lối học thầy đọc trò chép đang rất phổ biến hiện nay! Hãy khuyến khích sinh viên xưng "tôi". Cho dù điều đó chưa thể thay đổi ngay tức thì mối quan hệ phụ thuộc, trên dưới giữa thầy và trò, nhưng đó sẽ là điểm khởi đầu quan trọng cho những cải cách sâu rộng hơn. TS NGUYỄN SĨ DŨNG Nguồn: www.tuoitre.com.vn |