Và thú thật đọc bài tường thuật ấy rồi, không biết các bậc uyên bác thấy sao, riêng tôi vẫn không sao hiểu được vậy thì cái gọi là triết lý giáo dục là gì, thậm chí càng thấy rối mù thêm.
Đúng ra bàn về triết lý giáo dục hiện nay (chứ không phải triết lý giáo dục muôn đời, hay truyền thống, như nhiều vị trong cuộc hội thảo được tường thuật vừa rồi đã kể lại dông dài) chẳng phải là chuyện mới. Ít ra trong diễn đàn giáo dục do giáo sư Hoàng Tụy khởi xướng cách đây năm năm vấn đề này đã được nói đến rất nghiêm túc, khá sâu sắc, và được coi là nguồn gốc của mọi sai lầm đang diễn ra trong nền giáo dục của chúng ta mà chúng ta đang bức xúc bàn thảo hiện nay.
Mọi sai lầm cụ thể hiện nay đều bắt nguồn từ một triết lý giáo dục sai. Sai về căn bản. Đó là nguyên nhân gốc của mọi chuyện, từ đó dẫn đến điều mà giáo sư Hoàng Tụy đã nghiêm khắc chỉ ra: chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục.
Tất nhiên đây là vấn đề rất lớn, không thể chỉ nói trong mấy câu, trong một vài cuộc là xong; và nếu sắp đến chúng ta có thật sự muốn thay đổi (hay như cách nói của nhiều người tâm huyết và có uy tín lớn: muốn thay đổi có tính cách mạng) trong giáo dục, thì chính là phải bắt đầu từ đây. Không thay đổi triệt để, không "cách mạng" từ đây thì mọi sửa đổi sẽ chỉ là chắp vá, thậm chí càng gây thêm rối ren, càng lạc hướng đi xa hơn...
Tuy nhiên, để bắt đầu, cũng có thể nói một cách ngắn gọn: Chúng ta tiến hành nền giáo dục này để làm gì? Để nhằm tạo ra những con người như thế nào? Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, và từ đó người được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng.
Vấn đề bây giờ là có dám, có quyết phá vỡ cái triết lý đó đi không. Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo.
Tôi nghĩ nếu vì lý do gì đó mà chúng ta tránh né vấn đề gốc này, thì tất cả những bàn cãi về cái gọi là triết lý giáo dục, và từ đó cả mọi việc cụ thể khác nữa, dù có được diễn đạt bằng những ngôn từ cao sang đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa. Và chắc những người đứng đắn và thật sự tâm huyết chẳng muốn vào cuộc làm gì.
NGUYÊN NGỌC
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ (03/10/2007)
và đây là bài tường thuật về cuộc hội thảo này trên Tạp chí Cộng sản:
VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM
Cùng với lộ trình đổi mới đất nước, cách đây hơn hai thập kỷ, chúng ta đã tiến hành đổi mới giáo dục, đổi mới tư duy về giáo dục và nền giáo dục Việt Nam. Thành tựu sau hơn 20 năm đổi mới cho thấy, nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều biến chuyển, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức thiết đang đặt ra phải giải quyết. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường thì trên thực tế, dường như nó lại đang bị “lẽo đẽo” cuốn theo thị trường. Lẽ ra giáo dục phải trở thành động lực của đổi mới và hội nhập thì dường như nó lại chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Phải chăng vì giáo dục Việt Nam chưa có một triết lý phù hợp?
Trong vài ba năm trở lại đây, vấn đề “Triết lý giáo dục”, đã trở thành một sự kiện thời sự được nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý... quan tâm đặc biệt.
Để trả lời cho những câu hỏi triết lý giáo dục là gì? Ở Việt Nam đã có triết lý giáo dục chưa? Tại sao người ta lại quan tâm tới nó nhiều như vậy? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với nền giáo dục Việt Nam?…, Học viện Quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo khoa học “Triết lý giáo dục Việt Nam”.
Đây là cuộc Hội thảo đầu tiên bàn về Triết lý giáo dục nên đã thu hút được đông đảo đại biểu quan tâm đến dự và tham luận. Hội thảo đã tập hợp được gần 30 bản báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục hàng đầu của đất nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà. Các báo cáo đã đề cập đến nhiều khía cạnh của chủ đề Hội thảo: Triết lý giáo dục Việt Nam; Nhận diện về triết lý giáo dục; Đối tượng nghiên cứu Triết học giáo dục Việt Nam hiện đại; Một số một số vấn đề về Triết học giáo dục, triết lý giáo dục; Bổ sung triết lý giáo dục Việt Nam; Tìm kiếm một số quan điểm chung về giáo dục; Triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Triết lý giáo dục Việt Nam và một số vấn đề cần tư duy lại về giáo dục; Một số vấn đề về triết lý giáo dục Việt Nam...
Trước tiên, cần trả lời ngay rằng, nền giáo dục Việt Nam từ trong truyền thống và hiện đại đều có triết lý giáo dục. Triết lý đó được thể hiện, diễn giải một cách tự nhiên, giản dị mà ai cũng biết, cũng nhớ: “Không thày đố mày làm nên”; “Muốn sang thời bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thày”; “Học thày không tày học bạn”; “Tiên học lễ, hậu học văn”; “Học phải đi đôi với hành”; “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”... Tất cả những điều diễn giải trên đều đúng, tuy nhiên việc đưa ra một mẫu số chung cho định nghĩa triết lý giáo dục là gì đến nay vẫn chưa có. Hội thảo “Triết lý giáo dục Việt Nam” có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.
GS,TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Trong tiến trình đổi mới đất nước, triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện thông qua các quan điểm chỉ đạo về phát triển giáo dục. Các quan điểm này xác lập niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với: vai trò của giáo dục với tư cách là quốc sách hàng đầu; việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phương hướng giáo dục phải đi trước và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thành công của sự nghiệp giáo dục với tư cách là sự nghiệp của nhà nước và toàn dân. Triết lý giáo dục Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với các giai đoạn phát triển giáo dục, đặc biệt là trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua. Từ Hội nghị Trung ương 4 (khóa VII), đến Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII), Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX), Đại hội Đảng X gần đây. Có thể thấy, trong suốt lịch sử hơn 60 năm của giáo dục cách mạng Việt Nam, lúc nào cũng hiện hữu một triết lý phát triển. Ông cũng cho rằng, xét trên phương diện triết lý giáo dục, để xác lập niềm tin trong bối cảnh mới, cần phải tư duy lại một cách nhất quán mọi vấn đề cơ bản của giáo dục, kể cả những vấn đề được coi là bất biến.
Theo GS,VS,TSKH. Phạm Minh Hạc, triết lý giáo dục được định nghĩa một cách đơn giản, đó là cơ sở triết học của một nền giáo dục của một nước. Cụ thể, đó là quan điểm về vai trò, vị trí của giáo dục, đường lối, phương hướng phát triển, mục tiêu, nguyên lý giáo dục; là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục. Vào thời điểm này, một người lạc quan nhất cũng có thể nhận thấy rằng, nền giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng đó không chỉ thể hiện ở những hiện tượng tiêu cực mà quan trọng hơn là ở việc nhận ra sự thiếu thích ứng với những biến đổi to lớn của nền kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng được với những đòi hỏi ngày càng cao của thế giới. Loài người đang chứng kiến xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Xu thế này là tất yếu bởi nó bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp phát triển của lực lượng sản xuất, khiến cho phân công lao động ngày càng mở rộng trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông đã phá vỡ hàng rào ngăn cách địa giới trong giao dịch của con người trên mọi lĩnh vực và ở tất cả các quốc gia. Do vậy, dù muốn hay không, tất cả các quốc gia đều chịu tác động của quá trình toàn cầu hóa. Để tồn tại và phát triển trong điều kiện ngày nay, chúng ta không thể không tham gia quá trình toàn cầu hóa. Điều đó đồng nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận tham gia cạnh tranh toàn cầu. Và, nếu không muốn bị tụt hậu hay thất bại trong cuộc hội nhập này thì không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia tham gia hội nhập đều phải chuẩn bị cho mình những điều kiện tiên quyết. Đó là: đào tạo con người có học thức, có phong cách tư duy và làm việc quốc tế để đảm bảo cho bước đầu hội nhập thành công.
Tuy còn nhiều những bức xúc, trăn trở, GS,VS,TSKH, Phạm Minh Hạc đã khẳng định, nền giáo dục của Việt Nam đạt được như ngày nay là do đã xây dựng và phát triển trên 3 cơ sở vững chắc: cơ sở xã hội (truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc); cơ sở triết lý anh minh (của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta); cơ sở pháp lý (Hiến pháp và Luật Giáo dục…). Chính vì thế, ông nêu ra 6 nguyên tắc để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế: 1- Giữ vững, tôn trọng chủ quyền giáo dục. 2- Phát triển giáo dục - đào tạo trên cơ sở bảo tồn, phát huy truyền thống giáo dục Việt Nam. 3- Phát triển giáo dục - đào tạo trong cái nôi bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, trong môi trường đa văn hóa. 4- Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào mở trường, ưu tiên các trường dạy nghề và cao đẳng, đại học phi lợi nhuận; hạn chế các trường cổ phần; tập trung phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ cao. 5- Mời và tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo sư, tiến sỹ, giảng viên, các nhà nghiên cứu vào nghiên cứu, giảng dạy trong các trường, các viện. 6- Tăng cường, khuyến khích các gia đình, các doanh nghiệp gửi cán bộ, con em đi nghiên cứu và học tập trong và ngoài nước.
TS Đỗ Khánh Tặng (Hội Giáo chức Việt Nam) khẳng định: triết lý giáo dục nằm sâu trong tiềm thức con người Việt Nam qua các thế hệ từ đời này đến đời khác như một giá trị văn hóa dân tộc. Nội dung triết lý ấy vừa giản dị trong nhận thức tự nhiên của cuộc sống đời thường vừa nổi lên những nét tiêu biểu về đạo học, học được coi như tiêu chuẩn đạo đức: “Nhân bất học, bất tri lý”; học để làm, học suốt đời và học trong cuộc đời: “Bảy mươi học bảy mốt”, “Duy hữu độc thư cao”... tôn vinh người có học, học hành thành đạt.
PGS,TS Trần Quang Nhiếp cho rằng: bàn về triết lý giáo dục là bàn về vấn đề lý luận và thực tiễn rộng lớn của khoa học giáo dục nói chung. Theo ông, có thể hiểu triết lý giáo dục là những lý lẽ, những quan điểm về mục tiêu, phương thức, nội dung, phương pháp hoạt động giáo dục trong xã hội...Triết lý giáo dục là công cụ nhận thức, là cơ sở hoạt động, là định hướng chỉ đạo mọi hoạt động giáo dục của con người. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải có một triết lý giáo dục rõ ràng, sáng sủa chính xác làm căn cứ khoa học cho mọi hoạt động. Và ông cho rằng, đây là vấn đề lớn, cần có sự đi sâu nghiên cứu thận trọng, nghiêm túc, cơ bản, lâu dài và từng bước được bổ sung hoàn thiện.
GS,TSKH. Thái Duy Tuyên (Viện Chiến lược và Phát triển Giáo dục) cho rằng, trong mọi hệ thống dù tự nhiên hay xã hội đều có một cái huyệt. Khi bấm đúng huyệt thì hệ thống sẽ vận động và phát triển đúng hướng. Vì thế, điều quan trọng nhất trong việc nghiên cứu triết học giáo dục Việt Nam hiện nay là làm sao xác định đúng các triết lý, chỉ đạo sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay, bấm đúng huyệt để chấn hưng nền giáo dục, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập. Vậy huyệt của giáo dục Việt Nam hiện nay nằm ở đâu? Theo ông, huyệt chính có thể nằm trong hai vùng mục tiêu và động lực của nền giáo dục. Hiện nay, chúng ta đang có nguồn đầu tư lớn của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, kèm theo đó là nhu cầu nhân lực có chất lượng cao đang tăng lên đột biến. Đây chính là nguồn vốn đầu tư rất lớn và nếu được sử dụng một cách hiệu quả, nó không chỉ mang lại sự đột biến trong ngành giáo dục Việt Nam mà còn đưa đất nước phát triển nhảy vọt.
Hội nghị kết thúc, một định nghĩa cụ thể về triết lý giáo dục của Việt Nam vẫn chưa được nêu lên, nhưng những ý kiến trình bày tại Hội thảo là những gợi mở quan trọng để vấn đề được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và nhanh chóng có lời giải.
Thay lời kết
Non sông Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào kết quả học tập của các thế hệ Việt Nam. Việt Nam đang tham gia vào WTO. Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhìn từ góc độ trong nước cũng như quốc tế, Việt Nam đang cần có những con người tài giỏi, năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và tham gia hội nhập quốc tế. Nền giáo dục Việt Nam có trách nhiệm đào tạo ra những con người có đủ phẩm chất và kỹ năng đáp ứng những yêu cầu đó. Vì thế, giáo dục Việt Nam cần có một cuộc cách mạng toàn diện, mạnh mẽ từ tổ chức hệ thống đến nội dung chương trình cũng như phương pháp giáo dục. Bởi để đáp ứng nhu cầu của xã hội, giáo dục trong thời đại mới không chỉ còn là học để biết, học để làm mà điều quan trọng là học cách sáng tạo, học cách đổi mới, học cách hội nhập và hợp tác.
Luật Giáo dục năm 2005 của Việt Nam đã khẳng định: Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, có tri thức, có sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ mục tiêu ấy, chúng ta có thể xác định hình mẫu con người Việt Nam - sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam phải là những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài, có kiến thức và năng lực thực hiện để nhận thức được những bất cập của xã hội, muốn khắc phục và biết cách khắc phục nó nhằm tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Con người của thế kỷ XXI cần có một bộ óc được luyện tập nhiều hơn là một kho tư liệu; cần phải hiểu hoàn cảnh sống và học cách sống; cần có tư duy phê phán, biết sử dụng công nghệ thông tin, có sức khỏe, biết hợp tác, biết đổi mới là có trách nhiệm về tài chính cá nhân. Để phấn đấu được những tiêu chuẩn đó là một điều rất khó. Bởi thực tế đã và đang chỉ ra rằng, khi kinh tế càng phát triển, xã hội chuyển biến càng phức tạp thì sự bất cập của giáo dục càng thể hiện rõ. Nhưng, khó không có nghĩa là chúng ta không làm được. Lịch sử đã đặt và đang đặt giáo dục Việt Nam trước những thách thức mới và phải hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề mới.
Nguồn: Tạp chí Cộng sản (26/09/2007)