TS. Nguyễn Ngọc Điện Việc cấm sử dụng các loại xe công nông, xe ba, bốn bánh tự chế tưởng chừng rất đơn giản. Bởi vậy, dù được ghi nhận trong cùng một văn bản với quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy (Nghị quyết 32 của Chính phủ), lệnh cấm xe ba, bốn bánh tự chế đã không được rào trước đón sau một cách rình rang. Nó lặng lẽ đi vào cuộc sống, lặng lẽ như cuộc sống của những con người mà cuộc mưu sinh gắn liền với những phương tiện đó. Mãi khi gần đến thời điểm trở thành điều bó buộc thực sự, nó mới được người ta nhận ra. Mọi người giật mình hoảng hốt, vì nó đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của một lớp người nghèo đông đến hàng trăm ngàn. Thực ra, lệnh cấm là đúng: cho lưu thông trên đường công cộng những phương tiện mà độ an toàn không hề được thẩm định, theo các tiêu chuẩn được pháp luật thừa nhận, là dấu hiệu của một xã hội được tổ chức kém. Vấn đề là đối với hầu hết những người khai thác các phương tiện đó để kiếm sống, lệnh cấm đồng nghĩa với lệnh thay đổi cả cách thức kiếm sống, cả một nếp sống mà họ đã quen, trong nhiều trường hợp, từ già nửa cuộc đời. Tất cả những người này đều khốn khó và không có khả năng tự xoay trở, thích nghi trong khoảng thời gian quá ngắn; họ cần được sự giúp đỡ của xã hội, cộng đồng, nhất là của nhà chức trách. Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều người trong số họ đã không có được sự giúp đỡ này. Đến giờ chót, người ta mới tá hỏa trước viễn cảnh hàng trăm ngàn người nghèo bị đẩy vào đường cùng. Lệnh cấm có nguy cơ trở thành bản án tử không chỉ đối với một loại hình vận tải đặc trưng cho một xã hội chưa phát triển, mà còn cả đối với những mảnh đời dựa vào đó để sống. Tùy theo sức ép của các phản ứng từ dư luận, đặc biệt là từ báo chí, chính quyền ở các địa phương có thái độ rất khác biệt. Có nơi vẫn cấm tuyệt đối, ai vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện, đem bán sắt vụn; có nơi tuyên bố chỉ nhắc nhở trong thời kỳ đầu áp dụng quy định mới (không biết kéo dài được bao lâu); nơi khác gia hạn sử dụng, nhưng chỉ trong những khoảng thời gian nhất định trong ngày; nơi khác nữa cấm trong khu vực đô thị, nhưng lại tiếp tục cho phép ở vùng nông thôn;… Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, về phần mình, ra một công điện khẩn vào giờ chót, phân biệt xe của thương binh, người tàn tật và xe của những người khác; loại xe thứ nhất được gia hạn sử dụng thêm sáu tháng; còn loại thứ hai, thì theo đúng luật,…nghĩa là theo cách giải quyết của từng địa phương. Một điều luật đúng, chỉ ảnh hưởng trực tiếp, về mặt lý thuyết, đến một bộ phận nhỏ, khiêm tốn, thuộc tầng lớp dưới của xã hội, nhưng được chuẩn bị áp dụng một cách hời hợt, cuối cùng, gây tác hại. Một mặt, xã hội cảm thấy bất an, vì không biết liệu ở đâu đó còn có những điều luật khác tương tự, đang từ từ đi vào cuộc sống một cách thầm lặng và chỉ lộ diện khi thời điểm quyết định đã cận kề. Mặt khác, bộ mặt xã hội trở nên nhếch nhác về phương diện thực thi pháp luật, bởi, đối với cùng một quy tắc pháp lý, mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu; nhà chức trách ở trung ương còn có thêm một kiểu khác. Đây không phải là lần đầu tiên một kế hoạch quản lý xã hội có nguy cơ phá sản, vì sự kém cỏi (hay vô trách nhiệm) của những người có thẩm quyền trong khâu tổ chức, chuẩn bị. Trong một diễn biến khác thuộc lĩnh vực đất đai, mọi người chưa thôi ồn ào và nhất là vẫn còn hoang mang về lệnh cấm sử dụng các loại giấy trắng, tức là giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải là sổ đỏ chính thức, kể từ đầu năm mới. Thời điểm quyết định đã qua, nhưng chẳng quan chức có thẩm quyền nào dám lên tiếng khẳng định rằng giấy trắng đã thực sự bị khai tử hay vẫn còn tiếp tục được phép lưu hành; trong khi việc cấp sổ đỏ cho toàn xã hội vẫn chỉ là điều mơ ước, chưa biết đến khi nào thành hiện thực. Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất một chủ trương đúng đắn, nhưng được thực hiện một cách “bầy hầy”, trở nên phản tác dụng. Đề án tin học hóa hệ thống quản lý nhà nước đã đổ vỡ là một ví dụ khác, nếu loại trừ nguyên nhân tiêu cực. Cuối năm, dư luận lại có dịp rộ lên trước việc người lãnh đạo ngành giáo dục dự tính ra quy định cho phép ghi chú vào bằng tốt nghiệp của sinh viên việc vay nợ để học tập. Thực ra, chủ trương xây dựng hệ thống che chắn nhằm giảm thiểu rủi ro đối với quỹ tín dụng sinh viên, bảo đảm sự luân chuyển đồng tiền cho vay đúng mục đích và có hiệu quả là rất đúng. Thế nhưng, giảm thiểu rủi ro bằng cách ghi nợ vào bằng cấp là biện pháp rất dở; thậm chí có thể đem so sánh biện pháp này với việc đóng dấu xi vào trán người nô lệ thuở xưa. Cũng may, đó chỉ mới là ý tưởng. Xây dựng được chủ trương đúng, ra được quy tắc đúng chưa đủ. Cần phải quan tâm đến việc vạch ra lộ trình thực hiện hợp lý, để xã hội, tức là con người, có thể tiếp nhận chủ trương, quy tắc, như những điều tốt lành, tích cực, chứ không phải như những tin dữ hay điều bất hạnh. Luật mà chỉ khiến người dân nghèo tuôn rơi nước mắt, vì tủi phận, không phải là luật tốt. Tất cả, suy cho cùng, tùy thuộc vào cái tâm của người nắm quyền lực công. Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=3&sobao=891&sott=10 |