1. Những vấn đề chung
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu về khách sạn, nhà ở, văn phòng làm việc... cũng ngày một nhiều hơn. Những năm qua tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng rất nhiều nhà cao tầng, nhất là từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, không phải tất cả các công trình cao tầng đó đều được thiết kế kháng chấn. Theo bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý Địa cầu lập và được nghiệm thu năm 2005 thì ở nước ta chỉ một số vùng thuộc lãnh thổ phía Bắc là có khả năng xảy ra động đất cấp 8 (theo MSK), chấn động do động đất gây ra tại một số địa điểm vùng Tây Bắc có thể đạt tới cấp 9, còn đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam có thể xảy ra động đất vừa và nhỏ. Với kết quả nghiên cứu này đã khẳng định: Thiết kế kháng chấn cho các công trình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng động đất ở Việt Nam là cần thiết.
Sự cần thiết phải thiết kế kháng chấn cho công trình ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu, nhưng do hệ thống tiêu chuẩn chưa đồng bộ, nên trước đây, thiết kế kháng chấn chỉ đặt ra đối với các công trình quan trọng hoặc có ý nghĩa về mặt lịch sử như: Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.... Hầu hết các công trình được thiết kế kháng chấn đều ở khu vực miền Bắc. Ở miền Nam phần lớn các công trình được xây dựng trước đây đều ít quan tâm đến vấn đề kháng chấn.
Việc tính toán thiết kế kháng chấn cho công trình ở Việt Nam trước đây chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn của nước ngoài như: Tiêu chuẩn CHиП II - 7 - 81 của Liên Xô, Quy chuẩn động đất của Mỹ (UBC - 85, UBC - 88, UBC - 91 và UBC - 97). Do Tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn CHиП II - 7 - 81 phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn thiết kế hiện hành của Việt Nam nên thường được các nhà thiết kế dùng nhiều. Các nội dung chính của tiêu chuẩn CHиП II - 7 - 81 cũng đã được đưa vào phần thiết kế kháng chấn trong Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng TCXD 198: 1997.
Những năm gần đây, trên thế giới nhiều trận động đất lớn đã xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và công trình. Nhiều nước trước đây được xem như không chịu ảnh hưởng của động đất, nhưng thực tế cũng đã phải gánh chịu ảnh hưởng của các trận động đất xảy ra ở những nước khác. Ở Việt Nam cũng vậy, liên tục từ năm 2001 đến 2007 đã có những trận động đất trung bình và yếu đã xảy ra. Có trận động đất nguồn chấn động nằm trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng cũng có những chấn động gây ra, bởi các trận động đất xảy ra ở Nam Trung Quốc, ở Lào hoặc ngoài biển Đông. Các chấn động do các trận động đất đó đều có thể tác động đến các công trình ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các công trình cao tầng. Trận động đất năm 1983 có tâm chấn thuộc lãnh thổ Lào nhưng đã gây chấn động mạnh đến cấp 6 - 7 ở Hà Nội. Trận động đất năm 2001 có tâm chấn nằm ở vùng biên giới Việt - Lào đã gây chấn động cấp 7 và làm hư hỏng nhiều nhà và công trình ở thị xã Điện Biên. Trận động đất ở Đô Lương năm 2003 tại Nghệ An gây chấn động cấp 6. Trận động đất ở ngoài khơi Vũng Tàu, ngày 7/11/2005 đã gây chấn động cho các nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh. Và trận động đất gần đây nhất xảy ra ở Bắc Lào vào lúc 15h56 chiều ngày 16/5/2007 với cấp động đất 6,1 độ Richter đã gây chấn động mạnh cấp 3 - 4 tại Hà Nội, làm các nhà cao tầng bị rung chuyển nhẹ, tại Điện Biên chấn động đạt đến cấp 6.
Như vậy, ảnh hưởng của động đất đến nhà và công trình không chỉ xảy ra ở miền Bắc Việt Nam mà ở Nam Trung Bộ cũng có khả năng chịu ảnh hưởng của động đất. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo cho Viện KHCN Xây dựng khẩn trương biên soạn Tiêu chuẩn "TCXD VN 375: 2005 Thiết kế kháng chấn cho công trình" và đã cho ban hành năm 2006. Tiêu chuẩn này cùng các văn bản quy phạm, tiêu chuẩn khác như: Luật Xây dựng; Quy chuẩn Xây dựng 1997; Tiêu chuẩn TCVN 2737: 1995 Tải trọng và tác động; Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng TCXD 198: 1997; Thông tư 01 về việc cho phép áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài ở Việt Nam,... đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng nói riêng được chặt chẽ hơn.
2. Tình hình xây dựng và kháng chấn cho nhà cao tầng ở Việt Nam
Theo dự thảo tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng, nhà cao từ 9 tầng trở lên được gọi là cao tầng. Khái niệm này cũng phù hợp với phân loại nhà của một số tổ chức quốc tế. Với khái niệm này thì nhà cao tầng được xây dựng đầu tiên ở miền Bắc là toà nhà cao 11 tầng ở hồ Giảng Võ, nay là Khách sạn Hà Nội. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn quá trình phát triển xây dựng nhà cao tầng có kháng chấn, ta sẽ điểm qua một số giai đoạn điển hình của quá trình phát triển xây dựng nhà cao tầng ở Việt Nam.
Nhà cao tầng chỉ mới xây dựng nhiều vào khoảng chục năm gần đây. Về tổng quát, có thể phân quá trình phát triển nhà cao tầng ở Việt Nam theo 4 giai đoạn sau:
2.1. Giai đoạn xây dựng thời kỳ 1954 - 1976
Giai đoạn này, các công trình nhà thường là thấp tầng, từ 1 - 5 tầng. Kết cấu chịu lực của nhà thường là tường xây gạch hoặc khung bê tông cốt thép, sàn panel hay đổ bê tông cốt thép toàn khối. Những năm 1960 - 1976 xuất hiện thêm các nhà có giải pháp kết cấu lắp ghép: tấm nhỏ, tấm lớn và cả khung lắp ghép, nhưng chỉ có loại nhà lắpghép tấm lớn là phổ biến nhất. Kết cấu tấm lắp ghép lúc đầu là bê tông xỉ, dùng cho nhà 1 đến 2 tầng. Sau đó là bằng bê tông cốt hép, dùng cho nhà cao tầng từ 4 đến 5 tầng. Với giải pháp kết cấu nhà lắp ghép tấm lớn đã hình thành nên các khu chung cư: An Dương, Phúc Xá, Bờ sông (1 - 2 tầng); Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (4 - 5 tầng); Yên Lãng, Trương Định (2 tầng); Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ (4 - 5 tầng). Giai đoạn này, hầu hết các công trình nhà đều là thấp tầng và không được thiết kế kháng chấn.
2.2. Giai đoạn xây dựng thời kỳ 1976 - 1986
Từ những năm 1976 - 1986, ở Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Phúc Yên, Việt Trì và một số thành phố thị xã ở miền Bắc xây dựng phổ biến loại nhà lắp ghép tấm lớn. Chính trong một số loại nhà lắp ghép tấm lớn này đã được tính toán để chịu được động đất. Điển hình cho các loại nhà đã được tính toán chịu động đất trong giai đoạn này là mẫu nhà lắp ghép tấm lớn IW của Đạo Tú do Đức thiết kế và mẫu nhà lắp ghép tấm lớn LV của Xuân Mai do Liên Xô thiết kế. Các mẫu nhà này được thiết kế theo tiêu chuẩn của Đức và Liên Xô, có khả năng chịu được động đất cấp 7 - 8 (theo thang MSX 64). Nhà cao tầng đầu tiên do Việt Nam thiết kế có tính toán chịu động đất là nhà 11 tầng Giảng Võ (Khách sạn Hà Nội). Công trình nhà này có giải pháp kết cấu khung vách và sàn bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, thiết kế kháng chấn theo tiêu chuẩn của Liên Xô, chịu được động đất đến cấp 7 (theo thang MSK 64).
2.3. Giai đoạn xây dựng thời kỳ 1986 - 1997
Đây là giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới. Một số dự án đầu tư của nước ngoài được triển khai ở Việt Nam. Làn sóng đầu tư lần thứ nhất của nước ngoài vào những năm 90 đã tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp xây dựng ở Việt Nam phát triển. Nhiều công nghệ xây dựng mới đã được đưa vào áp dụng, như công nghệ cọc khoan nhồi, bê tông thương phẩm, đổ bê tông bằng bơm phun, sàn dự ứng lực (DƯL) .... tạo điều kiện cho xây dựng nhà cao tầng phát triển. Nhà cao tầng được xây dựng ngày một nhiều, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các nhà cao tầng thời kỳ này chủ yếu sử dụng giải pháp kết cấu chịu lực là khung - vách bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ. Chiều cao công trình phần nhiều là dưới 20 tầng. Ở thời kỳ này, vấn đề kháng chấn ít được quan tâm do Quy chuẩn xây dựng và Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng TCXD 198: 1997 chưa được ban hành. Những quy định bắt buộc về kháng chấn cho nhà cao tầng và các số liệu có tính pháp lý liên quan đến cấp động đất chưa rõ ràng. Do vậy, nhiều công trình cao tầng xây dựng trong thời kỳ này không đươc thiết kế kháng chấn. Tuy nhiên, cũng có một số công trình do yêu cầu của chủ đầu tư nên đã được thiết kế kháng chấn. Một số giải pháp cấu tạo kháng chấn cũng đã được áp dụng trong thiết kế và xây dựng nhà, chẳng hạn như các giải pháp mối nối, giải pháp tạo khe kháng chấn, giải pháp tạo mặt bằng đối xứng. Đặc biệt là công trình Tham tán thương mại Liên Xô (nay là Toà nhà Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Nga tại Hà Nội) đã sử dụng giải pháp cách chấn bằng lớp đệm đá dăm dày 2m đặt dưới móng của công trình. Tiêu chuẩn kháng chấn được dùng để thiết kế cho các công trình này chủ yếu là tiêu chuẩn CHиП II - 7 - 81 của Liên Xô và tiêu chuẩn UBC của Hoa Kỳ.
2. 4. Giai đoạn xây dựng thời kỳ 1997 đến nay
Đây là giai đoạn nhà cao tầng được phát triển mạnh. Nhiều giải pháp, công nghệ thi công tiên tiến được áp dụng như: công nghệ thi công TOP - DOWN; công nghệ thi công cọc Baret; tường vây; cốp pha trượt (lõi cứng) kết hợp với lắp ghép (cột, sàn), kết hợp đổ tại chỗ với lắp ghép cấu kiện DƯL... Với các công nghệ xuất hiện, ngày càng nhiều các công trình cao tầng trên 20 tầng. Đã có những công trình nhà cao tới 33, 34 tầng được đưa vào sử dụng. Giải pháp kết cấu của các công trình nhà cao tầng được áp dụng nhiều cho các nhà nay chủ yếu vẫn là kết cấu khung - vách hoặc khung - lõi bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, kết hợp với sàn cũng bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ hoặc sàn bê tông cốt thép nửa lắp ghép (dạng sàn sandus). Riêng ở Hà Nội, nhiều nhà cao tầng do Tổng công ty Vinaconex xây dựng, sử dụng giải pháp thi công trượt lõi cứng kết hợp với sàn và cột lắp. Các cấu kiện cột và sàn có thể được DƯL.
Các công trình nhà cao tầng được xây dựng ở Hà Nội trong giai đoạn này hầu hết đều được thiết kế kháng chấn chịu động đất cấp 7. Tiêu chuẩn kháng chấn được áp dụng vẫn chủ yếu là tiêu chuẩn CHиП II - 7 - 81 của Liên Xô và tiêu chuẩn UBC của Hoa Kỳ.
Ở TP Hồ Chí Minh trước đây vẫn quan niệm rằng, các công trình xây dựng ở khu vực này không cần phải tính toán với tải trọng động đất. Nhưng sau ảnh hưởng của các chấn động do động đất ở ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu năm 2005 làm các nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh rung chuyển thì vấn đề thiết kế kháng chấn cho nhà cao tầng đã được quan tâm hơn. Một số chủ đầu tư đã yêu cầu thiết kế công trình phải chịu được động đất. Một trong các đơn vị đó là Công ty Đầu tư và Xây dựng Hoàng Quân. Công ty này mới đây đã thiết kế các chung cư cao tầng do họ đầu tư chịu được động đất cấp 7.
Nguồn: TC Xây dựng, số 8-2007