Thông báo - Tin tức            
Vay thêm 1 tỉ USD, rót vào đâu? (16/05/2007)

Dự kiến tháng 9-2007, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để vay 1 tỉ USD từ nước ngoài. Đây là lần thứ hai Chính phủ vay tiền để các doanh nghiệp nhà nước vay lại. 1 tỉ USD này được đầu tư vào đâu và cần phải làm gì để có vay có trả?

Vinashin đầu tư lãi 8%/năm

Theo Tập đoàn kinh tế Vinashin, tổng số vốn tập đoàn thực nhận từ đợt phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ trong năm 2005 chỉ là 731,45 triệu USD (sau khi được chiết khấu). Vinashin trả 51,56 triệu USD tiền lãi mỗi năm chia làm hai kỳ thông qua tài khoản tại Ngân hàng BIDV.

Số tiền này được Vinashin phân bổ cho 180 dự án thuộc đề án phát triển giai đoạn 2006-2010 của Vinashin đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó 50% số tiền để nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới các nhà máy đóng và sửa chữa tàu, 30% dành cho đầu tư các dự án nhằm nội địa hóa sản phẩm công nghiệp tàu thủy (như sản xuất thép, động cơ...), trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container tại Cụm công nghiệp tàu thủy Lai Vu với công suất 30.000 TEU/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2007. Số 20% còn lại sẽ được Vinashin đầu tư cho các dự án phát triển đội tàu, gồm tàu container, tàu hàng rời, tàu hàng tổng hợp, tàu chở dầu thô... với tổng trọng tải khoảng 300.000 DWT.

Theo một lãnh đạo của Công ty tài chính Vinashin, tính đến 30-4, số tiền đã giải ngân cho các dự án là 7.400 tỉ đồng (khoảng hơn 462 triệu USD), trong đó số tiền đã thu hồi từ nguồn khấu hao cơ bản của các dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả là trên 650 tỉ đồng. Số tiền này đã được Vinashin tái đầu tư cho các dự án đang cần vốn. Riêng số tiền chờ giải ngân cho các dự án được phân bổ vốn được giao cho Công ty tài chính Vinashin quản lý, chủ yếu sử dụng để cho các đơn vị thành viên vay vốn lưu động phục vụ sản xuất (số dư nợ tính đến 30-4 là 3.700 tỉ), số còn lại được gửi tại các ngân hàng. “Gộp chung lại, thu nhập từ hoạt động bảo toàn và phát triển nguồn vốn chờ thanh toán năm 2006 đạt trên 8%/năm, lớn hơn lãi suất trái phiếu quốc tế phải trả cho các nhà đầu tư” - ông này khẳng định.

Trả lời câu hỏi Vinashin đã dự trù kế hoạch trả nợ khi trái phiếu đáo hạn như thế nào, ông cho biết Vinashin đã tính toán các dự án đầu tư có thời gian thu hồi vốn dưới 10 năm. Giá trị đơn đặt hàng của Vinashin tính đến tháng tư đã đạt trên 10 tỉ USD, trong đó khoảng 65% là cho xuất khẩu.

Rót vào đâu?

Gần hai năm trước, khi phát hành trái phiếu quốc tế để cho Vinashin vay lại, Chính phủ cũng đã từng tính toán rằng những đợt sau các doanh nghiệp sẽ là chủ thể phát hành trái phiếu ra thị trường, Chính phủ chỉ giữ vai trò là người bảo lãnh. Tuy nhiên, đến nay điều này đã không trở thành hiện thực, vì theo Bộ Tài chính, các “đại gia” như Tập đoàn điện lực VN, PetroVietnam... đều chưa hội đủ điều kiện để tự đứng ra vay. Vì vậy, lần này Chính phủ lại đứng ra vay 1 tỉ USD thông qua phát hành trái phiếu. Dự kiến trái phiếu có thời hạn 15-20 năm sẽ được phát hành trong tháng chín. Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị “đề bài” để mời thầu bảo lãnh phát hành là các tổ chức tài chính quốc tế. Số tiền đem về sẽ được giao “một cục” cho ba doanh nghiệp nhận vốn chứ không giải ngân theo nhu cầu.

Khoảng 700 triệu USD trong số vốn 1 tỉ USD huy động sẽ được rót vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với số tiền này, xem như khoản vốn đầu tư 2,5 tỉ USD dành cho Dung Quất đã được Chính phủ cân đối đủ. “Việc cho Dung Quất vay lại là điều dĩ nhiên vì nếu không phát hành trái phiếu quốc tế, Chính phủ cũng phải sắp xếp từ các nguồn khác để lo cho dự án này” - một quan chức của Bộ Tài chính nói.

Riêng khoản vay 240 triệu USD cho Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), ông cho biết sẽ được Vinalines dùng để sắm đội tàu vận tải. Phương án đầu tư khai thác đội tàu này đã được Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan chức năng khác đánh giá là khả thi, có khả năng hoàn vốn trong vòng 5-7 năm. Báo cáo của Vinalines (không chú thích đã được kiểm toán hay chưa) cho biết năm 2006 tổng công ty đạt doanh thu 11.241 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận là 551 tỉ đồng. Vốn nhà nước tại Vinalines tính đến ngày 31-12-2005 ước đạt 3.300 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2000.

Phần còn lại 60 triệu USD dự kiến được giao cho Tổng công ty Sông Đà để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Xê Ca Mản 3 tại Lào. Nhà máy này sắp xây dựng xong, khoản tiền cho vay lại của Chính phủ chủ yếu sẽ được dùng cho việc mua sắm thiết bị. Được biết, nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ chủ yếu bán điện về VN, một phần sẽ cung cấp cho thị trường Lào.  

 NHƯ HẰNG (Báo Tuổi Trẻ)

VN lãng phí mỗi năm 1 tỉ USD

Đó là nhận định của giáo sư David Dapice của  Đại học Harvard trong bài phát biểu tại Hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới ở VN diễn ra tại Hà Nội ngày 15 và 16-6.

Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông xoay quanh chủ đề “chính sách công nghiệp hay chi tiêu lãng phí”.

* Giáo sư đánh giá mức độ đầu tư không hiệu quả tại VN như thế nào?

- Mỗi quốc gia đều có sự chi tiêu lãng phí nhưng vấn đề đặt ra là liệu hệ thống có thể phát hiện khi nào thì sự lãng phí ở mức không thể chấp nhận được.

Theo con số tôi có được, thu nhập từ dầu thô sau thuế của VN vào năm 2006 dự đoán là 5 tỉ USD. Các khoản kiều hối có nhiều ước tính khác nhau nhưng cũng vào khoảng 5 tỉ USD nữa. Đầu tư nước ngoài vào VN theo số liệu của Chính phủ là khoảng 4-5 tỉ USD. Còn viện trợ phát triển ODA sau khi trừ các khoản phải trả ở mức 2-3 tỉ USD.

IMF dự đoán tổng sản phẩm quốc nội GDP của VN năm 2006 đạt khoảng 55 tỉ USD, như vậy các luồng vốn nước ngoài bằng khoảng 25-30% GDP năm nay. Và trong thực tế mỗi năm Chính phủ VN cũng đầu tư vào mức 30% GDP. Nếu đầu tư một cách tiết kiệm và khôn ngoan, tỉ lệ tăng trưởng GDP của VN phải ở mức thực là 9-10% như ở Trung Quốc chứ không phải là 7-8%.

Khoảng thập kỷ 1960 và 1970, khi Đài Loan có mức thu nhập bình quân đầu người như VN hiện nay, họ đã tăng trưởng trên 11% trong suốt 10 năm liền tuy lượng đầu tư chỉ chiếm 25% GDP.  Như vậy, sự lãng phí làm VN mỗi năm tổn thất khoảng 2% GDP, tương đương 1 tỉ USD. Nếu điều này kéo dài trong vài năm, sự khác biệt sẽ rất lớn và lên tới vài tỉ USD mỗi năm do sự lãng phí của năm trước sẽ làm giảm sản lượng của năm tiếp theo.

Nếu có một “hệ thống” kiểm tra về sự lãng phí quá độ thì có lẽ phải bắt đầu từ những thảo luận cởi mở hơn và công bố sự thật.

Sự ổn định và tính hiệu quả trong tương lai của chính sách phụ thuộc khả năng lãnh đạo cho phép báo cáo và thảo luận như vậy. Chỉ khi nào còn có những người được biết đến sự phân tích và thông tin từ bên ngoài thì hệ thống mới có thể biết thế nào là “lãng phí trong mức cho phép”.

Nếu không công bố sự thật, nhóm này hay nhóm khác có thể tập hợp được rất nhiều nguồn không hợp pháp, đút lót những người có nhiệm vụ giám sát họ và tạo ra một loạt chính sách thiếu hiệu quả nghiêm trọng.

(Trích phát biểu của giáo sư David Dapice)

* Đâu là những ví dụ điển hình của việc lãng phí nguồn lực, thưa ông?

- Việc các doanh nghiệp nhà nước được đầu tư quá nhiều cũng có thể làm xói mòn hiệu quả. Mới đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được phân bổ 750 triệu USD của đợt phát hành trái phiếu quốc tế nhằm mở rộng và đầu tư hàng loạt nhà máy đóng tàu ở các tỉnh.

Tôi có những tính toán cho thấy việc sử dụng nguồn vốn của Vinashin không hiệu quả. Một xưởng đóng tàu 120.000 tấn hiện đại đang được xây dựng ở Ấn Độ với chi phí 90 triệu USD trong khi với Vinashin phải cần tới 150 triệu USD. Như vậy với cùng một thời gian đóng tàu là 18 tháng, cùng một giá bán thì rõ ràng việc đóng tàu tại VN tập trung vào mục tiêu bán hàng hơn là lợi nhuận từ vốn.

Vinashin còn có một kế hoạch tổng thể đầu tư 3 tỉ USD vào các xưởng đóng tàu, nhà máy thép và các ngành công nghiệp cung ứng khác. Mức đầu tư đó sẽ khiến qui mô của Vinashin bằng 3/4 qui mô của Hyundai, tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới với 15% thị phần thế giới. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Vinashin có khả năng kỹ thuật cũng như quản lý để biện minh cho một thị phần lớn như vậy.

Tôi cho rằng việc quyết định đầu tư hàng loạt nhà máy đóng tàu ở các tỉnh sẽ làm các địa phương hài lòng vì nó kéo theo sự phát triển hạ tầng ở các địa phương. Mặt khác, VN cũng muốn học tập các nước Đông Á vì đóng tàu là một ngành công nghiệp mà nhiều quốc gia châu Á đã thành công. Nhưng VN không nên sao chép thành công này với cách mà VN đang tiến hành là Chính phủ đi vay tiền đầu tư vào các ngành thiếu hiệu quả và tạo ít việc làm.

Hiện có một triệu việc làm trong các ngành công nghiệp xuất khẩu nhưng chỉ có nhiều nhất vài vạn lao động trong ngành công nghiệp đóng tàu và các ngành công nghiệp cung ứng của nó. Cách VN nên làm là cho phép các công ty tư nhân có khả năng tham gia với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua đào tạo và cung cấp cơ sở hạ tầng.

Một ví dụ nữa là dự án sân bay tại Đồng Nai với ý đồ thu hút 40- 50 triệu khách/năm. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rộng tương đương với khu sân bay Changi của Singapore (đón 64 triệu khách/năm) và việc hiện đại hóa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp sân bay này đảm nhận được lượng hành khách tại khu vực TP.HCM trong 20-30 năm tới. Sân bay Tân Sơn Nhất năm nay dự kiến chỉ đón 4 triệu khách. Vì vậy, tôi cho rằng ý đồ đầu tư 4 tỉ USD vào một sân bay ở Đồng Nai là rất lãng phí.

* Vậy theo ông, làm thế nào để giảm bớt sự lãng phí?

- Tôi cho rằng VN cần một cơ chế để cảnh báo về các khoản đầu tư lãng phí. Đó có thể là một nhóm tại Quốc hội, là các chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng, hoặc một nhóm học giả. Các nhóm này có thể làm việc cùng nhau để chia sẻ và cung cấp thông tin. Tôi nghĩ việc có những thông tin rõ ràng và có những người hiểu biết về “sự việc” rằng đó có thể là các khoản đầu tư lãng phí sẽ rất hữu ích.

Ở nước nào cũng tồn tại những nhóm lợi ích khác nhau và có nhóm hoạt động mạnh, nhóm không. Tôi thấy tại VN các doanh nghiệp nước ngoài được tổ chức tốt và hiện diện mạnh mẽ hơn trong việc trình bày quan điểm với Chính phủ, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không có nhiều tiếng nói. Đây là điều không tốt.

Tóm lại, một khi mà sự thật được phơi bày thì rõ ràng sẽ có sức ép lớn hơn cho trách nhiệm giải trình. Và những quyết định đầu tư lãng phí, gây thiệt hại cho đất nước sẽ không còn dễ dàng được thông qua nữa.

CẨM HÀ (Báo Tuổi Trẻ ngày 17/06/2006)

Ðầu tư phát triển công nghiệp có phải là sự chi tiêu lãng phí ?

Tại "Hội thảo Tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 15 và 16-6 vừa qua, Giáo sư David Dapice của Ðại học Havard cho rằng: Việt Nam đã lãng phí mỗi năm một tỷ USD, mà nguyên nhân gây ra xuất phát từ những chính sách, những chủ trương đầu tư cho công nghiệp, trong đó có sự đầu tư cho công nghiệp đóng tàu.

Ý kiến của GS. David Dapice đã được một số cơ quan báo chí đề cập. Vì vậy, bài viết này không nhằm mục đích đối thoại cùng GS.David Dapice mà chỉ bày tỏ một số suy nghĩ của chúng tôi trước một vấn đề hệ trọng, liên quan tới chủ trương đầu tư và phát triển của đất nước, với mong muốn độc giả có thêm nguồn thông tin tham khảo.

Công nghiệp hóa, yếu tố cốt lõi của phát triển
Xin không đề cập đến những khía cạnh mang tính kinh tế chính trị học của vấn đề, bởi vì điều đó đã được khẳng định trong chủ trương chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Hơn thế nữa, cũng không phải cho tới ngày nay định hướng đó mới được làm sáng tỏ, khi mà sự nghiệp CNH, HÐH trở thành nhiệm vụ trung tâm của quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Từ gần 50 năm trước, Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III đã chỉ ra rằng: Công nghiệp hóa là nội dung cơ bản của quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để đưa đất nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi vào xây dựng CNXH.
Bây giờ, trong thời buổi kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, người ta quan tâm nhiều hơn tới hiệu quả kinh tế. Ðể có hiệu quả kinh tế, người ta tập trung vào việc làm ra những sản phẩm có thương hiệu đủ sức cạnh tranh. Thái-lan từ nhiều thập kỷ qua luôn giữ vị trí số 1 trong các quốc gia xuất khẩu gạo. Thương hiệu gạo Thái-lan nổi tiếng toàn cầu với mức giá lên tới 350 USD/tấn, một mức giá mà gạo Việt Nam chưa bao giờ đạt được. Nhưng nếu mỗi năm Thái-lan nỗ lực để xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo thì cũng chỉ có thể làm nên lượng hàng hóa xuất khẩu có tổng giá trị 1,75 tỷ USD. Trong khi đó, theo báo Nhân Dân số ra ngày 5-11-2005, những năm tới Thái-lan sẽ xuất khẩu mỗi năm hai triệu ô-tô các loại, đứng thứ 7 trong số các nước xuất khẩu ô-tô trên thế giới. Nếu tính đổ đồng mỗi chiếc ô-tô chỉ có giá 10 nghìn USD thôi, thì mỗi năm họ đã thu về 20 tỷ USD. Vậy là chỉ với ngành công nghiệp ô-tô, đất nước này đã có được lượng hàng hóa xuất khẩu nhiều hơn của mười nước Thái-lan trồng lúa. Nếu như người Thái-lan không khôn ngoan phát triển ngành công nghiệp ô-tô của mình mà chỉ loay hoay vào việc đầu tư và đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật hơn nữa vào nghề trồng lúa nước với một sự hài lòng rằng, đó là một sản phẩm có thương hiệu không dễ gì có được và rằng đó là một lĩnh vực vừa làm ra hàng hóa xuất khẩu, vừa tạo việc làm ổn định cho hàng chục triệu nông dân, một con số lớn hơn nhiều so với số công nhân làm việc trong ngành may mặc từng được GS.David Dapice đề cập tới, thì liệu Thái-lan có thể có được một kết quả như vậy không?
Với một hạ tầng kinh tế, xã hội bị tàn phá nặng nề, Hàn Quốc ra khỏi chiến tranh muộn hơn Philippines tám năm. Vào thời kỳ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, mức GDP tính trên đầu người của cả hai nước xấp xỉ như nhau. Cả hai quốc gia đều có mối quan hệ khăng khít và gần gũi với hai đối tác lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Vậy  mà chỉ sau 40 năm, GDP trên đầu người của Hàn Quốc vượt lên gấp 14 lần của Philippines. Ðiều đó có được hay không nếu như người Hàn Quốc cam chịu số phận chỉ trồng cao lương, sâm Cao Ly và xuất khẩu món Kim Chi nổi tiếng?
Thiết nghĩ, không cần phải viện dẫn ra những chủ trương của Ðảng và Nhà nước mà chỉ cần điểm qua những nét thực trạng đang xảy ra trong thế giới đương đại đủ để chúng ta thêm một lần nữa tự tin mà khẳng định: Công nghiệp hóa, yếu tố cốt lõi để làm nên phát triển là một lựa chọn, một định hướng không được quyền chối bỏ.
Ưu tiên của tiến trình công nghiệp hóa cần đặt vào đâu?
Theo chúng tôi hiểu, GS.David Dapice không khuyên chúng ta đừng làm công nghiệp, mà ông khuyên chúng ta nên tập trung vào các ngành công nghiệp tạo ra nhiều việc làm, trước hết là ngành công nghiệp may mặc. Thực chất của vấn đề là ưu tiên của những nỗ lực cần đặt vào đâu?
Quả thực, công nghiệp dệt - may là một ngành công nghiệp lớn vừa tạo ra nhiều việc làm vừa tạo ra giá trị hàng hóa. Nhưng dẫu sao, trong hiểu biết của chúng ta đó là một ngành công nghiệp nhẹ, một ngành công nghiệp làm ra hàng hóa tiêu dùng. Một ngành công nghiệp không tạo ra những yếu tố cơ bản có thể tác động tới sự phát triển của sức sản xuất xã hội.
Phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nói chung, trong đó có công nghiệp dệt - may có thể nuôi sống người lao động nhưng chắc không thể tạo ra những tiềm lực phát triển, không thể tạo ra những nguồn lực có thể làm cho đất nước hùng cường. Có phải thế chăng, cho nên từ lâu rồi tơ lụa Hàng Châu cũng như sản phẩm dệt - may Thượng Hải đã rất nổi tiếng mà đất nước Trung Quốc lại có hàng trăm triệu lao động đang cần việc làm,... Nhưng người Trung Hoa không bao giờ lựa chọn dệt - may là ngành công nghiệp ưu tiên cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Dẫu rằng, hàng hóa dệt - may của Trung Quốc từng làm khuynh đảo thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng chắc chắn đó không phải là yếu tố để Trung Quốc trở thành một nhân tố gây nên những biến động trên bàn cờ địa kinh tế của thế giới đương đại, nếu như đất nước của Vạn Lý Trường Thành không tạo dựng được một nền công nghiệp khổng lồ đủ sức tiếp cận với kỹ thuật hiện đại nhất, đủ sức làm ra các tên lửa đẩy Trường Chinh và các con tàu vũ trụ Thần Châu.
Và liệu mức tăng GDP của Hàn Quốc có lớn đến như vậy hay không nếu như người Hàn Quốc không biết đặt ưu tiên chiến lược vào phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng như: luyện kim, sản xuất ô-tô, điện tử và trở thành một cường quốc đóng tàu hàng đầu thế giới.
Công nghiệp đóng tàu - sự lựa chọn nào đã được đặt ra?
Từ hơn 10 năm trước, khi đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ "Ðề án Phát triển công nghiệp đóng tàu và thành lập Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam", Bộ Giao thông vận tải đã trình bày rõ những căn cứ lựa chọn cho sự ưu tiên phát triển của ngành công nghiệp đó.
Một là, đối với nước ta, một đất nước có hơn 3.000 km bờ biển lại có vùng đặc quyền kinh tế biển rộng hơn ba lần đất liền, nếu như không phát triển công nghiệp đóng tàu thì không thể tạo nên một năng lực trang bị kỹ thuật có thể chủ động và đủ sức đáp ứng các yêu cầu đặt ra ngày một lớn của các lĩnh vực kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Hai là, nếu coi biển là một lợi thế thiên nhiên cần phải được khai thác, tận dụng thì sự cần thiết ưu tiên phát triển công nghiệp đóng tàu có thể so sánh với những ưu tiên của Nhà nước đang dành cho sự phát triển kết cấu hạ tầng đối với các chuyên ngành vận tải khác. Bởi vì, đội tàu quốc gia không chỉ đơn thuần là phương tiện vận tải mà còn có thể coi đó là một bộ phận cấu thành hạ tầng kỹ thuật của ngành hàng hải.
Ba là, công nghiệp đóng tàu, một ngành công nghiệp nền, bởi lẽ đó không chỉ là một lĩnh vực sản xuất tạo nên lượng giá trị hàng hóa lớn, tạo ra nhiều công ăn việc làm, mà nó còn tạo ra thị trường và cơ hội phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp khác như: luyện kim, công nghiệp vật liệu, chế tạo máy, công  nghiệp điện và điện tử,... Và hoàn toàn có thể nói rằng, việc từng bước làm chủ được các tiến bộ công nghệ trong công nghiệp đóng tàu xứng đáng được coi là những nỗ lực góp phần tạo nên trình độ công nghệ xã hội mới cho đất nước.
Bốn là, công nghiệp đóng tàu, một lựa chọn khả thi đối với chúng ta. Trước hết, tính khả thi thể hiện ở chỗ một con tàu là tập hợp từ sản phẩm của nhiều lĩnh vực và bao gồm nhiều công đoạn khác nhau từ đó tạo ra cơ hội có thể từng bước chiếm lĩnh các trình độ công nghệ từ thấp tới cao, từ giản đơn tới phức tạp trong quá trình phát triển ngành công nghiệp đó.
Mặt khác, cho dù mới chỉ là những bước khởi đầu nhưng đối với công nghiệp đóng tàu ít nhiều chúng ta đã có sự tập dượt qua nhiều giai đoạn, ngay từ khi còn trong chiến tranh và nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, xin được nói thêm là tuy trình độ còn thấp nhưng chúng ta đã sớm hình thành nên một đội ngũ lao động cùng với các cơ quan chức năng khá đồng bộ cho ngành cơ khí đóng tàu, bao gồm các cơ sở đào tạo kỹ sư, công nhân kỹ thuật; các cơ quan nghiên cứu thiết kế; tổ chức đăng kiểm giám sát chất lượng,... tất cả các đội hình đó luôn sát cánh hợp đồng chặt chẽ với các Nhà máy đóng tàu.
Năm là, công nghiệp đóng tàu đang đứng trước một sự chuyển dịch và phân công lao động mang tính toàn cầu. Sự chuyển dịch đó đang diễn ra khá rõ từ châu Âu sang Ðông Á. Một cơ hội không dễ gì có được.
Hiệu quả đầu tư, tiêu chí nào cần được xem xét?
Hiệu quả đầu tư của các lĩnh vực sản xuất khác nhau không thể được xem xét bởi những tiêu chí đồng nhất như nhau. Thí dụ, như thời gian thu hồi vốn ở các ngành công nghiệp nặng, những ngành cần mức đầu tư lớn lại có vòng quay vốn dài không thể xem xét giống như ở những lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Mức sinh lợi làm ra có cái trực tiếp tính được bằng tiền, có cái gián tiếp, vô hình không tính được bằng tiền ví như sự đóng góp của những lĩnh vực đó vào việc làm nên trình độ công nghệ xã hội cao hơn, vào việc góp phần làm ra tiềm lực và thị thế của đất nước,... Những điều đó nhiều khi là vô giá.
GS.David Dapice có so sánh tổng mức đầu tư của một nhà máy đóng tàu ở Ấn Ðộ và ở Việt Nam. Chúng tôi không có đủ thông tin về Nhà máy đóng tàu ở Ấn Ðộ đã được nhắc tới. Nhưng theo chúng tôi biết được thì ít nhất là quy mô sản phẩm của hai nhà máy được đem ra so sánh là rất khác nhau. Nhà máy ở Ấn Ðộ đóng cỡ tàu sức chở 120 nghìn tấn, còn nhà máy ở Việt Nam được nói tới là đầu tư để đóng được cỡ tàu có sức chở tới 300 nghìn tấn.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập một số thông tin liên quan tới sản xuất kinh doanh của Vinashin mà chúng tôi có được: Tổng mức đầu tư từ năm 1996 đến nay khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh số làm ra trong cùng kỳ đạt 33.170 tỷ đồng. Mức tăng trưởng bình quân liên tục trong 10 năm từ 35% đến 45% hằng năm. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng ba lần. Mức lương bình quân của người lao động tăng ba lần. Năng suất lao động tăng 5 lần, một năm một lao động làm ra 500 triệu đồng giá trị sản xuất. Tổng số hợp đồng đã ký với các đối tác nước ngoài tới năm 2006 có tổng giá trị 5 tỷ USD. Chỉ với số hợp đồng xuất khẩu tàu như vậy, Vinashin đã có thể đủ việc làm cho tới năm 2010, với khả năng sau thời điểm đó, mỗi năm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu hai tỷ USD giá trị tàu các loại.
Thực tiễn, trường đào tạo lớn
GS.David Dapice cho rằng, liệu Vinashin có đủ sức để mà quản lý và điều hành cơ nghiệp của mình hay không? Chúng ta cảm ơn giáo sư về mối quan tâm đó. Là người nhiều năm theo sát ngành này, chúng tôi tin vào sức mạnh của đội ngũ Vinashin, bởi vì ngoài sự trợ giúp của các trường đại học, các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật cũng như các đối tác nước ngoài, chúng tôi hiểu rằng thực tiễn là một trường đào tạo lớn.
Còn nhớ để đóng được con tàu sức chở 6.500 tấn đầu tiên đạt cấp Ðăng kiểm quốc tế ở Công ty đóng tàu Bạch Ðằng, Bộ Giao thông vận tải đã phải thành lập Ban chỉ đạo do một Thứ trưởng làm Trưởng ban với sự tham gia của các ban ngành của thành phố Hải Phòng, của Cục Ðăng kiểm Việt Nam, của Vinashin và của công ty chủ tàu VOSCO,... Ban chỉ đạo phải trực tiếp tiến hành nhiều cuộc họp giao ban để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất. Vậy mà bây giờ, không cần nói tới việc đóng các tàu sức chở 6.500 tấn xuất khẩu mà việc điều hành đóng mới các tàu có sức chở hơn một vạn tấn, thậm chí là nhiều vạn tấn đã trở thành công việc thường nhật tại nhiều đơn vị thành viên của Vinashin.
Thay cho lời kết
Khi đón nhận ý kiến của GS.David Dapice, trên báo chí, một vị cao niên của ngành đóng tàu, lo ngại nói với chúng tôi: "Thời bọn mình còn trẻ, vào làm ở xưởng đóng tàu của cụ Bạch Thái Bưởi, thợ thuyền hào hứng lắm bởi vì cụ Bạch dám qua mặt cả người Pháp để gây dựng nền công nghiệp đóng tàu cho đất nước, điều mà với chính sách kìm hãm sự phát triển của thuộc địa, những ông chủ thực dân  không bao giờ cho phép. Bây giờ thời thế đã đổi thay, nhưng liệu những nước đi trước đã sẵn lòng cho chúng ta được ngồi cùng chiếu?".
Còn ông Andrew, Phó Chủ tịch Ðăng kiểm DNV - Na Uy, sau khi tiếp xúc với ngành đóng tàu của chúng ta, hào hứng nói rằng: "Người Hàn Quốc từng làm nên điều kỳ diệu bên sông Hàn, thì tại sao các bạn Việt Nam lại không thể nuôi hoài bão làm nên điều kỳ diệu trên quê hương sông Hồng tươi đẹp của các bạn"?

GS. TSKH LÃ NGỌC KHUÊ (Báo Nhân Dân ngày 19/07/2006)
 

Xem tin theo ngày Chọn lịch rồi chọn ngày xem tin       |          Đầu trang
 

Các tin khác
  (23/08/2023)
 Khai giảng Khóa học Giám đốc Điều hành tổ chức tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp Tiền Giang (11/11/2019)
 Kế hoạch khai giảng các khóa học Bồi dưỡng nghiệp vụ tháng 11 và 12/2019 (30/10/2019)
 Lớp Tập huấn Quản lý tài chính Kế toán; Quản lý tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập (30/10/2019)
 Khai giảng Khóa học Giám đốc Điều hành tổ chức tại Lực lượng Thanh niên xung phong TP. HCM (30/10/2019)
 Khai giảng Khóa học Giám đốc Điều hành tổ chức tại Tổng Công Ty Nông Nghiệp Sài Gòn (29/10/2019)
 Khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng doanh nghiệp – Hành chính sự nghiệp – Tập huấn Thông tư 107/2017/TT-BTC (08/03/2018)
 THÔNG BÁO ÔN THI SÁT HẠCH CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG (08/03/2018)
 ÔN TẬP Thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (08/03/2018)
 Thông báo Ôn thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (27/02/2018)
 khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng doanh nghiệp – Hành chính sự nghiệp và Tập huấn Thông tư 107 (27/02/2018)
 Lễ Khai giảng lớp Bồi dưỡng Kiến thức cho Đơn vị Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (17/08/2017)
 ĐÁP ÁN BỘ ĐỀ THI SÁT HẠCH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ XÂY DỰNG (14/04/2017)
 Quyết định Thành lập Ban biên soạn Bộ đề thi và Đáp án Các môn thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề Môi giới BĐS (17/10/2016)
 Nguyên tắc ba C: “Chất lượng – Công nghệ - Chuỗi giá trị” – chìa khóa của hội nhập (17/10/2016)
 BỘ CÂU HỎI THI SÁT HẠCH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ XÂY DỰNG (17/10/2016)
 Lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp (17/10/2016)
 THÔNG BÁO VỀ VIỆC TỔ CHỨC KỲ THI SÁT HẠCH KIẾN THỨC MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN (LẦN THỨ 2/2016) (09/09/2016)
 Thư Cảm ơn (05/08/2016)
 Thông báo Về việc tổ chức kỳ thi sát hạch kiến thức môi giới bất động sản (lần thứ I/2016) (05/08/2016)
 Khai giảng khóa học Giám đốc điều hành (CEO) tại Công Ty Tnhh Mtv Dịch Vụ Công Ích Thanh Niên Xung Phong (03/11/2015)
 TỔ CHỨC KHÓA HUẤN LUYỆN KHUNG PHÂN TÍCH VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH (08/04/2015)
 THÔNG BÁO TẬP HUẤN THÔNG TƯ 200/2014/TT-BTC HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP (01/04/2015)
 THÔNG BÁO TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG THEO NGHỊ ĐỊNH 16/NĐ-CP NGÀY 14/02/2015 (01/04/2015)
 Chương trình đào tạo thực hành nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng (05/11/2014)
 Khai giảng lớp Giám đốc điều hành học ngày Thứ 7 (Sáng + Chiều) (04/06/2014)
 THÔNG BÁO CHIÊU SINH KHÓA HỌC BỒI DƯỠNG KẾ TOÁN TRƯỞNG THÔNG TƯ 199/2011/QĐ-BTC VÀ THÔNG TƯ 163163/2013/TTLT-BTC-BNV TẠI TP.HCM VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG (02/06/2014)
 Kết quả kiểm tra các khóa học (05/10/2013)
 Đã có chứng nhận các khóa học (01/10/2013)
 Xin chúc mừng Thầy Vương Hoàng Thanh - giảng viên các khóa học Giám sát thi công và Quản lý dự án của CPA được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước (16/01/2012)
 Lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư (13/07/2011)
 Khắc tên 16 nghìn tiến sỹ - xin can, xin can! (13/10/2008)
 Ẩn số quan hệ giữa ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam (08/10/2008)
 Giáo dục VN: Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe (25/09/2008)
 Bộ Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng QII/2008 (04/09/2008)
 Thấy gì về nhà cao tầng ở Việt Nam (19/08/2008)
 Sự cố khi xây dựng phần ngầm công trình: Hoàn toàn có thể tránh được (04/08/2008)
 Địa ốc TP HCM có dấu hiệu bị làm giá (31/07/2008)
 Công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng (28/07/2008)
 Hoa hậu và cú đấm của con rể bà Tư Hường (19/07/2008)
 Đất và nông dân - Tác giả: Nguyên Ngọc (02/07/2008)
 MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRAO ĐỔI KHI HƯỚNG DẪN ĐO BÓC KHỐI LỰƠNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH (01/07/2008)
 Một số điểm cần lưu ý khi điều tiết cung - cầu trên thị trường bất động sản (27/06/2008)
 Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu Hồ sơ mời thầu áp dụng cho gói thầu xây lắp (19/06/2008)
 Những cây cầu ấn tượng trên thế giới (18/06/2008)
 Quá ít kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp (06/06/2008)
 Niềm tin, thông tin, và điều hành vĩ mô (05/06/2008)
 Thị trường bất động sản “đóng băng”: Các doanh nghiệp địa ốc... còn rất lãi! (05/06/2008)
 Hội thảo về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng (04/06/2008)
 Thiết kế kháng chấn các công trình nhà cao tầng ở Việt Nam (03/06/2008)
 Kinh nghiệm về xây dựng phát triển nhà ở cao tầng tại Nhật Bản - đối chiếu với mô hình Singapore (02/06/2008)
 Đào tạo nghiệp vụ định giá xây dựng: Nếu không thông báo hoạt động sẽ bị đình chỉ (09/05/2008)
 Chứng chỉ hành nghề hoạt động tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (08/05/2008)
 Công bố cơ sở đào tạo bất động sản đạt chuẩn (24/04/2008)
 Năm giải pháp bình ổn thị trường bất động sản (20/04/2008)
 LÁ THƯ NGƯỜI CHỦ GỞI ĐẦY TỚ (01/04/2008)
 Tiêu chuẩn kỹ sư định giá xây dựng (23/03/2008)
 Giá văn phòng cho thuê tại Việt Nam: Đắt thứ 13 trên thế giới (23/03/2008)
 Các môn chung - một vấn đề của Đại học thời hội nhập (13/03/2008)
 Cao ốc Pacific: Lấp hầm bằng đất, nước hay không khí? (07/03/2008)
 Dự án có “lãi ngầm”! (07/03/2008)
 Tăng trưởng của Việt Nam có thực sự nhanh và bền vững? (21/02/2008)
 Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam (17/02/2008)
 NHỮNG CON SỐ KINH HOÀNG VỀ GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (16/02/2008)
 Thông tin về khóa học Bất động sản tại TP. HCM (12/02/2008)
 Vân Phong: Lợi ích dân tộc phải lớn hơn lợi ích nhóm (23/01/2008)
 Khởi đầu cho những cải cách sâu rộng (22/01/2008)
 Cái tâm của người nắm quyền lực công (15/01/2008)
 Luận án tiến sĩ (24/10/2007)
 Điều kiện để kinh doanh bất động sản (18/10/2007)
 Giáo dục đại học - trách nhiệm đối với quá khứ và tương lai (16/10/2007)
 Lại chuyện triết lý giáo dục (03/10/2007)
 Tinh thần Hiến pháp (24/09/2007)
 Xin được đối thoại với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề giáo dục (19/09/2007)
 Lấy ý kiến nhân dân về các đề án nhà Quốc hội mới (14/09/2007)
 PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC: THỰC TẠI VÀ TƯƠNG LAI. Bài 3: Sự nghiệp của toàn dân, đất nước của nhân dân (22/08/2007)
 PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC: THỰC TẠI VÀ TƯƠNG LAI. Bài 2: Nghĩ về tầm nhìn (21/08/2007)
 Giấy đỏ, Giấy hồng, Giấy xanh và ... Giấy tay (19/08/2007)
 PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC: THỰC TẠI VÀ TƯƠNG LAI. Bài 1: Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước (17/08/2007)
 Cáp treo Vinapeal và "tư duy tổ mối" (12/08/2007)
 Tổng thanh tra: 'Tôi đã từ chối nhiều quà bất thường' (04/08/2007)
 Cạnh tranh xé rào hay cuộc chạy đua xuống đáy (16/06/2007)
 THAM NHŨNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (25/05/2007)
 Bài 3 - Triết lý phát triển: Vai trò tiên phong của hệ thống (02/05/2007)
 Bài 1: Đột phá từ triết lý phát triển (28/04/2007)
 Bài 2: Đi tìm Triết lý Phát triển cho Việt Nam (28/04/2007)
 Thi công gói thầu số 7, dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Trách nhiệm chậm tiến độ, do ai? (17/04/2007)
 Xin hỏi Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (03/04/2007)
 Newton cũng thua chứng khoán (01/03/2007)

 
 
  Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh   

Bản quyền thuộc về Trung Tâm Đào Tạo Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ CPA
Website được thiết kế và phát triển bởi Công ty TNHH Viễn Thông Tin Học TaViCo